Phản ánh đến Thanh Niên, chị Nguyễn Thị Cung (38 tuổi, trú tại xã Thanh Văn, H.Thanh Oai, Hà Nội) cho biết đã gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND H.Thanh Oai, liên quan đến vụ hỏa hoạn khiến 3 người trong gia đình chị tử vong.
Đám cháy cướp đi 3 sinh mạng
Cuối tháng 8.2022, vợ chồng anh Nguyễn Trọng Chức (30 tuổi, em trai chị Cung) thuê người thi công nhà kho chứa chăn, ga, gối, đệm. Người được thuê là Trần Quang Thoa (26 tuổi). Để đảm bảo công việc, Thoa thuê thêm 2 người khác cùng làm gồm Trần Văn Hưởng (24 tuổi) và Tạ Trường Giang (21 tuổi).
Chiều 10.9.2022, nhóm thợ đến kho hàng của gia đình anh Chức. Thoa phân công Hưởng bắn vách tôn và hàn cửa vách, Giang phụ giúp Hưởng, còn Thoa trèo lên mái bơm keo chống dột.
16 giờ 30 cùng ngày, khi 3 người đang thi công, vợ anh Chức hô cháy. Nhóm thợ chạy xuống, phát hiện lửa xuất hiện ở chiếc đệm bên dưới khu vực đang hàn, cắt.
Sau đó, lửa bùng lên dữ dội, bao trùm ngôi nhà 3 tầng của gia đình anh Chức rồi lan rộng sang kho xưởng của 2 công ty bên cạnh.
Đến 18 giờ 30, lực lượng cảnh sát PCCC dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, vợ và 2 con nhỏ của anh Chức tử vong do ngạt khí, nhiều tài sản bị thiêu rụi.
Vào cuộc điều tra, công an xác định nguyên nhân cháy là do vẩy hàn bắn ra trong quá trình hàn, cắt kim loại. Trần Quang Thoa và Trần Văn Hưởng bị khởi tố tội vi phạm quy định về PCCC.
Ngày 27.9.2023, TAND H.Thanh Oai xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Thoa 8 năm 6 tháng tù, bị cáo Hưởng 9 năm tù, cùng về tội danh nêu trên.
Tòa còn buộc 2 bị cáo liên đới bồi thường cho gia đình anh Chức hơn 2,6 tỉ đồng (tài sản, chi phí mai táng, tổn thất tinh thần) và hơn 650 triệu đồng cho 2 công ty kế bên.
Thiệt hại lớn nhưng bồi thường nhỏ?
Chị Nguyễn Thị Cung là đại diện của một trong 2 công ty bị cháy lan (được xác định là bị hại), đồng thời là người được anh Nguyễn Trọng Chức ủy quyền. Chị Cung cho rằng tòa sơ thẩm giải quyết vụ án "không khách quan, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm".
Theo trình bày, ngày 23.8.2023, TAND H.Thanh Oai mở phiên tòa lần đầu nhưng không thông báo cho bị hại, sau đó hoãn. Đến ngày 14.9, phiên tòa mở lần hai.
"Tôi hỏi lý do vì sao lần trước không gửi thông báo cho gia đình, chủ tọa bảo rằng đã gửi bưu điện nhưng vì không có số điện thoại người nhận nên thư bị trả về. Điều này vô lý vì trong hồ sơ vụ án đã có số điện thoại của chúng tôi", người phụ nữ kể.
Tại phiên tòa trên, do phát sinh một số tình tiết, hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định hoãn lần 2 và thông báo mở lại vào ngày 27.9. Chị Cung sau đó có đơn đề nghị thay đổi HĐXX.
Đúng hẹn, TAND H.Thanh Oai mở phiên tòa lần 3, các bị hại đều vắng mặt, tòa tuyên án như đã nêu. "Chúng tôi không nhận được trả lời về việc thay đổi HĐXX, nghĩ rằng phải chờ thêm. Thế nhưng tòa vẫn xử dù không có mặt chúng tôi", chị Cung nói.
Người phụ nữ này cũng cho rằng bản án "bỏ lọt tội phạm" đối với người thợ còn lại là Tạ Trường Giang. "Giang cùng làm trong nhiều ngày, trực tiếp thi công, nhưng không hiểu vì sao không bị xử lý", chị Cung nói.
Đặc biệt, chị Cung cho biết rất bức xúc về phần bồi thường thiệt hại. Theo chị Cung, tổng tài sản bị cháy của anh Chức, chị và công ty kế bên là khoảng 8 tỉ đồng, nhưng tòa chỉ tuyên bồi thường gần 3 tỉ đồng, tức chưa tới một nửa.
"Em dâu và 2 cháu của tôi tử vong là mất mát không thể bù đắp. Hy vọng cuối cùng được bồi thường thiệt hại tài sản để trang trải nợ nần sau khi đã mất hết vì cháy, nhưng rồi cũng không được giải quyết thỏa đáng", chị Cung trình bày.
Tòa khẳng định đã xử khách quan
Trao đổi về những bức xúc của chị Nguyễn Thị Cung, ông Nguyễn Bá Thắng, Chánh án TAND H.Thanh Oai, cho biết ở lần xét xử đầu tiên ngày 23.8, do bị hại không có mặt (vì không gửi được thông báo) nên tòa đã hoãn để đảm bảo quyền lợi.
Tại phiên tòa lần 2 ngày 14.9, bị hại có mặt, được thông báo việc hoãn xử cũng như thời gian mở lại. Đến phiên tòa lần 3 ngày 27.9, lịch xét xử đã được thông báo hợp lệ nhưng bị hại vắng mặt, do đó tòa tiếp tục xét xử.
Theo ông Thắng, những vấn đề chị Cung phản ánh đều liên quan đến tố tụng, bị hại đã có đơn kháng cáo nên thẩm quyền xem xét, giải quyết sẽ thuộc tòa cấp phúc thẩm.
Thông tin thêm, ông Phan Quốc Quân, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm, nói rằng để có cơ sở xác định thiệt hại thì HĐXX phải căn cứ vào kết luận của hội đồng định giá. Vụ án này, nhiều tài sản bị cháy nhưng không có hóa đơn, chứng từ hoặc nguồn gốc xuất xứ nên hội đồng định giá không định giá. Vị chủ tọa nói "rất chia sẻ với mất mát của gia đình bị hại", dù vậy phải căn cứ theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề bỏ lọt tội phạm, quá trình xét xử cho thấy dù cùng tham gia thi công nhưng Tạ Trường Giang chỉ phụ giúp cho 2 bị cáo chứ không trực tiếp hàn, cắt. Việc không truy cứu trách nhiệm đối với người này là có căn cứ.
"Tại phiên tòa ngày 27.9, HĐXX triệu tập cả đại diện hội đồng định giá cũng như anh Giang để xét hỏi, làm rõ những tình tiết trên, nhưng bị hại lại không đến", ông Quân nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Cung cho biết hàng hóa của gia đình (nguyên liệu làm bánh kẹo, chăn, ga, gối, đệm…) chủ yếu mua từ các cơ sở hộ gia đình, làng nghề; tuy không có hóa đơn đỏ nhưng có phiếu xuất kho hoặc giấy tờ viết tay. Những mặt hàng này giá trị rất lớn, gia đình vay mượn để đầu tư kinh doanh, nếu không được xác định là thiệt hại thì vô cùng thiệt thòi.
"Chúng tôi có sao kê tài khoản ngân hàng, phiếu xuất kho… nhưng hội đồng định giá không yêu cầu cung cấp", chị Cung nói và cho hay từng yêu cầu giám định lại tài sản nhưng không được chấp nhận.