Chiều 23/10, tiếp tục phiên họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Nghị quyết số 31 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn; vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu giai đoạn 2021-2023 dự kiến có sự thay đổi tích cực hơn so với giai đoạn 2016-2018. Trong đó, nổi bật là những biện pháp chưa từng có để khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19 hiệu quả, là nền tảng để phục hồi nền kinh tế, sản xuất, kinh doanh, đưa đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Xuất siêu 8 năm liên tiếp. Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi.
Đáng chú ý, tốc độ tăng GDP năm 2021 đạt 2,56%, được thế giới đánh giá là tích cực trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm; năm 2022 tăng 8,02%; năm 2023 ước đạt khoảng trên 5%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã đưa vào khai thác 659 km đường cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào sử dụng là 1.822 km. 90/110 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong, trong đó đã ban hành 33 quy hoạch, bao gồm Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII, quy hoạch các phương thức giao thông vận tải...
Bên cạnh đó, cũng có một số khó khăn, thách thức khi ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài. Áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm (6,5-7%) rất lớn.
“Năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, đối mặt với nhiều khó khăn; kim ngạch xuất khẩu ước giảm 3,5%, nhập khẩu giảm 4,2%; nợ xấu có xu hướng tăng; chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro”, Bộ trưởng nêu rõ.
Chưa kể, sau đại dịch Covid-19, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn; hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng.
Cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi đáng kể
Về tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Căn cứ Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động để tổ chức thực hiện; trong đó, đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt 102 nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án.
Theo Bộ trưởng, toàn bộ 102 nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án tại Chương trình hành động của Chính phủ đã được triển khai. Trong đó, 37 nhiệm vụ đã hoàn thành và có kết quả rõ ràng; 28 nhiệm vụ đang chỉnh sửa, hoàn thiện để trình cấp thẩm quyền ban hành; 37 nhiệm vụ đang triển khai theo kế hoạch.
Thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 31 đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Tuy vậy, Tư lệnh ngành KH&ĐT cũng nhấn mạnh, tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể.
Phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, năng lực hấp thụ vốn giảm. Các ngành kinh tế chưa chuyển dịch mạnh về tăng năng suất, nhất là khu vực công nghiệp và dịch vụ; năng lực tự chủ và khả năng chống chịu còn nhiều hạn chế.
Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng kỳ vọng. Các loại thị trường hoạt động chưa hiệu quả, chưa đảm bảo điều kiện phát triển bền vững.
Nguyên nhân của tình trạng này là do tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo; trong khi nước ta là nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, cần thời gian để phục hồi sau đại dịch Covid-19.
“Công tác nắm tình hình có lúc còn chưa sát; tham mưu, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động, có trường hợp thận trọng quá mức, chưa tận dụng hết các cơ hội”, Bộ trưởng KH&ĐT cho hay.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng nguyên nhân còn do cơ chế, chính sách, pháp luật và công tác tổ chức thực hiện có lúc có nơi còn hạn chế; một bộ phận cán bộ còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai; việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới.