Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thu ngân sách 9 tháng đạt 1,223 triệu tỉ đồng, bằng 75,5% dự toán; chi ngân sách là 1,239 triệu tỉ đồng. Ước bội chi ngân sách cả năm là 415.200 tỉ đồng, giảm 40.300 tỉ đồng so với dự toán.
Đề xuất thực hiện cải cách tiền lương, giảm thuế môi trường và VAT
Về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, ông Phớc cho biết đến hết năm 2022 nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và bố trí từ tăng thu ngân sách trung ương, ngân sách để cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỉ đồng, nguồn tích lũy ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỉ đồng.
Với dự kiến thu - chi ngân sách năm 2024, cùng nguồn cải cách tiền lương tích lũy, dự kiến thực hiện đồng bộ cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024.
Trong đó, trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19.000 tỉ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Với tổng mức chi và bội chi ngân sách như trên, dự toán tổng chi cân đối ngân sách năm 2024 là 2,1 triệu tỉ đồng, tăng 24.100 tỉ đồng so với dự toán năm. Theo đó, chi đầu tư phát triển là 277.300 tỉ đồng, chi trả lãi là 111.700 tỉ đồng, chi viện trợ là 2.200 tỉ đồng; chi dự trữ quốc gia là 1.160 tỉ đồng, bố trí dự toán chi cải cách tiền lương năm 2024...
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn, tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT).
Tăng bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương, chi cân đối ngân sách năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo quy định...
Nhất trí với tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng để đảm bảo triển khai chính sách dài hạn, cơ quan thẩm tra lưu ý, cần đánh giá, so sánh tổng thể chính sách cải cách tiền lương, cân đối nguồn lực để thực hiện trong giai đoạn 2024-2026 và dự báo tới 2030, đảm bảo tính khả thi lâu dài.
Đến hết năm 2023, tổng quỹ dành cho cải cách tiền lương là 486.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương 112.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương 374.000 tỉ đồng. Để đảm bảo nguồn lực, lộ trình cải cách tiền lương tới năm 2030, ông Mạnh cho rằng cần có giải pháp tăng thu ngân sách bền vững.
Theo đó, cần có chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt vì áp lực tăng chi ngân sách sẽ tăng cao. Cải cách tiền lương cần đồng bộ với tăng lương cơ sở, đổi mới sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế.
Đảm bảo nguồn cải cách tiền lương bền vững
Về đánh giá giữa kỳ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay tổng thu ngân sách 3 năm (2021-2023) ước đạt 5 triệu tỉ đồng, bằng 61% kế hoạch. Tổng chi ngân sách 3 năm khoảng 5,9 triệu tỉ đồng, bội chi ngân sách bình quân 3 năm là 3,4% GDP, trong phạm vi Quốc hội phê duyệt.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhìn nhận nhiều khó khăn trong thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia. Trong đó thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Chính phủ dự kiến tổng thu ngân sách 5 năm (2021-2025) đạt trên 8,4 triệu tỉ đồng, tỉ lệ huy động thu vào ngân sách 16,4% GDP; huy động từ thuế, phí 13,4% GDP và đạt mục tiêu.
Về kế hoạch vay, trả nợ, bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay tổng mức vay Chính phủ 3 năm (2021-2023) khoảng 1,317 triệu tỉ đồng (đạt gần 43% kế hoạch). Trong đó, ngân sách trung ương vay 1,279 triệu tỉ đồng.
Nợ công được kiểm soát, đến cuối năm 2023 là khoảng 4 triệu tỉ đồng, tương đương 39-40% GDP. Tuy vậy, quản lý nợ công phát sinh khó khăn, như quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ trong nước chưa phát triển, điều kiện vay ngày càng thắt chặt hơn, huy động vốn ODA ngày càng khó khăn, giải ngân đạt thấp so với dự toán…
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh nhận thấy trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước chậm lại trong khi nhu cầu chi tiêu đầu tư để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế tăng khá lớn.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý số tuyệt đối và tỉ lệ vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách năm 2024 khoảng 24-25%, tiệm cận mức trần theo nghị quyết của Quốc hội.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, phân tích nguyên nhân để có giải pháp điều hành cân đối ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công.
Sáng 23-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.