Vừa qua, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Yasser M.Mufti, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Dầu khí quốc gia Saudi Aramco, đã bày tỏ mong muốn có cơ hội đầu tư vào Việt Nam và xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Aramco tham gia đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là những dự án lọc hóa dầu lớn của Việt Nam, phát triển hợp tác thương mại trong lĩnh vực sản phẩm dầu, khí, hóa chất dầu khí như dầu thô, khí hóa lỏng, hạt nhựa, phân bón…
Tập đoàn Saudi Aramco của Saudi Arabia là công ty sản xuất dầu lớn nhất thế giới và nhiều thời điểm giữ vị trí công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu.
Theo Reuters, Saudi Aramco là doanh nghiệp nhà nước được thành lập vào năm 1933, trong đó Chính phủ Saudi Arabia là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 90% tổng số cổ phần.
Cuối năm 2019, Saudi Aramco đã chào bán ra công chúng (IPO) thành công và huy động được 25,6 tỷ USD. Các khách hàng lớn nhất của Aramco tập trung ở châu Á, nơi chiếm tới hơn 70% lượng hàng xuất khẩu của tập đoàn này.
Không chỉ bán dầu sang các thị trường, Aramco còn hoạt động tích cực trong lĩnh vực lọc dầu ở Hàn Quốc, Nhật Bản và xây dựng nhà máy lọc dầu cũng như đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu tại Trung Quốc.
Trong quý II năm nay, Aramco ghi nhận lợi nhuận ròng giảm gần 40% so với cùng kỳ. Công ty cho biết sự sụt giảm chủ yếu phản ánh tác động của giá dầu thô thấp hơn và tỷ suất sinh lời giảm trong lĩnh vực lọc dầu và hóa chất.
Tuy nhiên, "ông trùm" dầu mỏ vẫn thu về hơn 30 tỷ USD trong quý II, vượt mức 29,3 tỷ USD mà các nhà phân tích của Bloomberg dự báo. Con số này cũng cao hơn nhiều so với lợi nhuận của các gã khổng lồ dầu mỏ khác như Exxon Mobil đạt 7,9 tỷ USD và Shell đạt 5 tỷ USD.
Năm 2022, công ty năng lượng lớn nhất thế giới đã đạt được mức lợi nhuận kỷ lục lên đến hơn 161 tỷ USD, tăng 46% so với mức 110 tỷ USD của năm 2021. Dòng tiền tự do cũng đạt 148,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 107,5 tỷ USD của năm 2021.
Lợi nhuận của Aramco trong năm ngoái cao gấp 3 lần so với các công ty dầu hàng đầu thế giới khác như Exxon, BP, Shell hay Chevron. Điều này giúp Aramco vượt Apple để trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới với vốn hóa đạt 2.430 tỷ USD vào năm 2022.
Các chuyên gia cho rằng Aramco đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng nhờ vào sự tăng giá mạnh của dầu và khí đốt đầu năm ngoái.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn cung dầu. Điều này ngày càng thắt chặt khả năng tiếp cận các nguồn cung dầu mỏ của Nga, đặc biệt là sản phẩm dầu và dầu thô vận chuyển bằng đường biển.