Kỳ tích xuất khẩu ngày rau quả
Báo Người Lao Động dẫn nguồn Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 9/2023 đạt trị giá cao nhất từ trước tới nay, với 667,5 triệu USD, tăng tới 43,7% so với tháng trước.
Trước đà tăng cao, dự báo "kỳ tích" này có thể bị phá vỡ khi trong tháng 10, giá trị xuất khẩu là 699 triệu USD, theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam.
Cụ thể, lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,913 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chủ yếu do tăng mạnh xuất khẩu quả sầu riêng, đạt tới 1,63 tỷ USD (tính đến hết tháng 9), gấp hơn 14 lần so với con số 113 triệu USD của cùng kỳ năm trước.
Tính đến tháng 10, ngành sầu riêng ước tính đã mang về khoảng 2 tỷ USD cho Việt Nam.
Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất trong 9 tháng năm 2023, đạt trị giá 2,75 tỷ USD, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 65% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước.
Tiếp đó là thị trường tiềm năng như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan chiếm thị phần từ 2,8% - 4,5%.
Bên cạnh đó, những mặt hàng khác cũng có mức tăng trưởng cao (tính đến hết tháng 8) như: mít đạt 143 triệu USD tăng 37,5%; xoài đạt 138,5 triệu USD tăng 43,4%; vải gần 50 triệu USD, tăng 85%; dưa hấu gần 46 triệu USD, tăng 154%; bưởi 29,6 triệu USD, tăng 144%…
Rau quả chế biến đóng góp 794 triệu USD (tính đến hết tháng 8), tăng trưởng gần 20%.
Đáng chú ý mục tiêu ban đầu của ngành rau quả Việt Nam trong năm 2023 là đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD. Nhưng mục tiêu này chỉ cần 9 tháng đã hoàn thành với con số 4,2 tỷ USD.
Năm 2023, xuất khẩu rau quả dự kiến cán đích 5,5 tỷ USD
Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo: "Sầu riêng sẽ nhanh chóng vượt qua thanh long để trở thành mặt hàng tỷ USD". Thời điểm đó, không có quá nhiều người lạc quan, nhất là khi 4 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu sầu riêng vẫn ì ạch vài chục triệu USD mỗi tháng. Nhưng sầu riêng chính thức bùng nổ vào tháng 5 với kim ngạch 332 triệu USD. Sau cú nhảy vọt đó, kỳ vọng cả năm 2023 có thể đạt tới 1,5 tỷ USD đã được đặt ra, nhưng kết quả hiện nay đã là 2 tỷ USD, con số chưa mặt hàng nông sản nào đạt được chỉ trong thời gian ngắn như thế.
"Hiện chỉ còn sầu riêng ở Gia Lai và vụ nghịch ở rải rác một vài nơi, nhiều nhất là các tỉnh miền Tây. Sản lượng sầu riêng giảm sẽ kéo giảm kim ngạch xuất khẩu của rau quả. Trong 2 tháng cuối năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ khó đạt con số kỷ lục như tháng 9 hay 10 nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm sẽ đạt khoảng 5,5 tỷ USD. Năm 2024 chúng ta có thể hy vọng kim ngạch xuất khẩu rau quả vượt con số 6 tỷ USD", ông Đặng Phúc Nguyên cho biết.
Mặc dù xuất khẩu rau, quả đang ghi nhận những điểm sáng nổi bật, song các doanh nghiệp xuất khẩu cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định về phía nhập khẩu.
Điển hình, vừa qua Bộ NN&PTNT đã nhận được một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ NN&PTNT sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
Bộ NN&PTNT khuyến cáo các doanh nghiệp và các địa phương cần kiểm soát tốt để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch từ các thị trường nhập khẩu, theo Kinh tế & Đô thị.
Trúc Chi (t/h)