"Mẹ em vất vả, thiệt thòi nhiều lắm ạ". Trong câu chuyện của mình, Hoàng Thị Thu Hương (tân sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải Hà Nội) luôn nhắc đến mẹ - nữ "chiến binh K" đang ngày ngày chống chọi với căn bệnh ung thư vú.
Mẹ bệnh rồi, con phải tự nỗ lực học tập
Tháng 9-2020, bà Phạm Thị Luyện (quê Nam Định) sờ thấy có khối u nhỏ ở ngực, sờ thử thì thấy cứng. Đi khám ở viện, bà nhận tin như sét đánh ngang tai: ung thư vú.
Chồng mất sớm, một mình bà Luyện gồng gánh nuôi hai con gái lớn khôn. Ngày phát hiện bệnh, căn nhà đang xây vữa còn chưa trát xong, đành phải gác lại để dồn tiền chữa trị.
"Giây phút mẹ nói bị ung thư rồi, em nghe sợ lắm. Mẹ nói với em: Bệnh của mẹ nay thế này nhưng mai có thể khác đi, nên là con phải tự cố gắng, nỗ lực để học tập" - Hương xúc động nhớ lại.
Hương kể, từ thời điểm đó một mình mẹ tiếp tục chống chọi với căn bệnh ung thư vú, vất vả đi lại từ Nam Định lên Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) để phẫu thuật cắt bỏ khối u và tiếp nhận xạ trị.
Thấy người ta có chồng, có con cái trưởng thành lo toan, còn mẹ dù bệnh tật mà tay chân vẫn chẳng ngồi yên được, vẫn chạy vạy khắp nơi để vừa lo cho các con, vừa lo chữa bệnh cho mình, Hương thương mẹ lắm. Hễ đi học về là vào bếp nấu cơm, sắc thêm thuốc cho mẹ uống. Hương cố gắng ở cạnh mẹ, gần mẹ những lúc mẹ cần để mẹ vơi bớt nỗi đau bệnh tật.
Trải qua đợt xạ trị, tóc mẹ rụng hết. Vậy là Hương quyết tâm nuôi mái tóc thật dài để dành tặng mẹ. Hương cho biết hiện nay tình trạng của mẹ đã ổn định hơn, tóc của mẹ cũng bắt đầu mọc lại, cứ ba tháng sẽ đến viện tái khám một lần.
"Quan trọng nhất với bệnh nhân ung thư chính là tinh thần. Do đó em luôn ở cạnh bên, chia sẻ, động viên để mẹ không nghĩ đến bệnh tật nữa mà chỉ nghĩ đến giây phút vui vẻ ở hiện tại" - Hương bộc bạch.
Đi học với tiêu chí: học phí rẻ
Năm lớp 12, Hương nhận học bổng cho con em bệnh nhân ung thư với kết quả học lực tốt và giải ba môn ngữ văn cấp tỉnh lớp 11. Số tiền học bổng ấy bà Luyện cất kỹ, chẳng dám tiêu pha đồng nào để dành cho con gái vào đại học.
Nay Hương đỗ đại học, đồng nghĩa với gánh nặng học phí tăng lên. Dù đang bệnh tật, bà Luyện vẫn xin đi làm công nhân giày da để trang trải sinh hoạt phí cho gia đình, vừa lo tiền học cho con gái.
Bà nói với con gái, còn đi làm được là mẹ cứ làm để tích cóp cho con học đại học, bởi bệnh tật chẳng thể nói trước được, biết nay mai như thế nào…
"Đợt xét tuyển khi đặt nguyện vọng, bên cạnh tiêu chí ngành yêu thích, em chọn trường này vì học phí rẻ hơn so với các trường khác. Học ở đây nếu cố gắng sẽ nhận được học bổng của trường để mẹ bớt được phần nào gánh nặng học phí" - Hương bày tỏ.
Vừa đặt chân đến Hà Nội là Hương xin vào ký túc xá ngay. Cô tân sinh viên cho biết lựa chọn ký túc xá của trường cũng một phần vì tiêu chí rẻ hơn các trường khác, mỗi tháng chỉ hết 160.000 đồng.
Chưa đầy một tháng học ở thủ đô, Hương cũng xin được công việc làm thêm ở một cửa hàng áo dài gần ký túc xá. Ban đầu chị chủ hỏi Hương sao không đợi quen đường sá rồi đi làm, nhưng cô tân sinh viên thật thà nói không đi làm thêm sẽ không có tiền để lo toan cho cuộc sống ở thủ đô.
Ca làm việc từ 17h - 21h đêm, thấy cô sinh viên ngoan hiền, chủ cửa hàng trả cho Hương 20.000 đồng/giờ. Nhờ đó Hương sẽ có thêm tiền trang trải sinh hoạt phí cho những tháng tới.
Cô cũng cho biết sẽ cố gắng vừa học vừa đi làm, nếu không đủ sẽ vay thêm khoản vay sinh viên, sau này ra trường sẽ đi làm trả nợ.
"Em quyết tâm đi học, bởi chỉ có đi học thì sau này cuộc sống mới đỡ khổ, đỡ vất vả hơn. Ra trường có công việc ổn định mới lo được cho mẹ" - tân sinh viên Hoàng Thị Thu Hương tâm niệm.
Trong thời gian chăm sóc mẹ, Hương đã có kinh nghiệm trong nấu ăn và học được các thực đơn dinh dưỡng, bài tập luyện cho bệnh nhân ung thư.
Cô tân sinh viên chia sẻ dự định sẽ thực hiện các video để chia sẻ về phương pháp chăm sóc bệnh nhân ung thư, nhất là về dinh dưỡng, giúp ích cho bệnh nhân ung thư trước khi hóa trị, xạ trị.
Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Trong hành trình đến giảng đường đại học của Đặng Kim Quang Minh - chàng tân sinh viên mồ côi cha mẹ, luôn có hình bóng của ông ngoại 70 tuổi cần mẫn với công việc chạy xe ôm.