Sáng 23/10, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.
Vụ án trên có 16 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó có 14 bị cáo bị xét xử về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; 2 bị cáo bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC, cùng 3 bị cáo khác đang bỏ trốn bị xét xử vắng mặt.
Sau khi kết thúc phần thủ tục, đại diện VKS công bố bản cáo trạng xong, Hội đồng xét xử (HĐXX) chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo.
Bị cáo Đỗ Văn Sơn, nguyên Kế toán trưởng Công ty AIC là người lên bục xét hỏi đầu tiên.
Trả lời HĐXX, bị cáo Sơn khai làm Kế toán trưởng Công ty AIC từ cuối năm 2008.
Cuối năm 2013, bà Nhàn có chỉ đạo Sơn sửa báo cáo tài chính để hồ sơ năng lực công ty đảm bảo tham gia gói thầu tại Dự án Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh. Thời điểm này, bị cáo Sơn đã làm báo cáo tài chính gửi Cục Thuế Hà Nội theo đúng tình hình tài chính của công ty.
"Chị Nhàn vẫn yêu cầu bị cáo chỉnh sửa bản báo cáo tài chính, bị cáo có nói không làm được thì chị Nhàn nói đó là việc của chúng mày, chúng mày chỉ là người làm thuê không phải chịu trách nhiệm gì", bị cáo Sơn khai.
Nguyên Kế toán trưởng AIC sau đó đã chỉ đạo và cùng cấp dưới chỉnh sửa bản báo cáo tài chính theo đúng chỉ đạo của bà Nhàn.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Sơn đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, tỏ ra ăn năn hối lỗi.
Khi được hỏi về quá trình lẩn trốn ra nước ngoài, bị cáo Sơn khai, năm 2022 Sơn có nhận được điện thoại của bà Nhàn nói rằng công ty không kinh doanh công việc cũ như trước nữa, mà chuyển sang làm "thành phố thông minh".
Bà Nhàn nói với Sơn, nếu muốn làm công việc mới này thì phải đi nước ngoài học tập, và Sơn đã đồng ý sau 2 tuần suy nghĩ.
"Bị cáo được trợ lý của bà Nhàn mua vé máy bay để sang Dubai. Khi sang đến Dubai bị cáo được một người đón về một căn phòng thuê, bị thu điện thoại. Sang đó bị cáo không đi học gì để làm thành phố thông minh. Đến ngày 22/6, bị cáo về nước đầu thú", bị cáo Sơn nói.
Tại phiên tòa, bị cáo Sơn nhận thức được hành vi của mình, tỏ ra ăn năn hối cải và thấy việc đầu thú là cần thiết, chỉ có như vậy mới được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Do đó, trong vụ án này, bị cáo Sơn cũng khuyên các bị cáo khác còn đang bỏ trốn thì nên trở về đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Theo cáo trạng, Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2009, tổng vốn đầu tư 238 tỷ đồng. Dự án gồm 2 giai đoạn và chia thành 6 gói thầu mua sắm trực tiếp.
Công ty AIC tham gia dự thầu và trúng toàn bộ 6 gói thầu, trong đó Công ty AIC đứng tên trúng 4 gói thầu; Công ty Mopha là công ty trong hệ sinh thái của AIC đứng tên trúng 2 gói thầu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC. Để Công ty AIC trúng thầu, với vai trò chủ mưu, đứng đầu chỉ đạo và trực tiếp thực hiện nhiều hành vi vi phạm quy định đấu thầu.
Cụ thể, bà Nhàn đã chỉ đạo Trương Thị Xuân Loan (Trưởng ban Quản lý dự án của Công ty AIC) liên hệ với Phạm Trọng Hiệu (Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án của Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh) và Nguyễn Đức Quang (Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, thuộc Ban Quản lý dự án Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh) để thông đồng về thông số kỹ thuật, cấu hình, đơn giá trang thiết bị y tế.
Bà Nhàn còn chỉ đạo Đỗ Văn Sơn (Kế toán trưởng Công ty AIC) thực hiện hành vi gian lận, điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính nhiều năm để đảm bảo Công ty AIC có đủ năng lực tài chính tham gia dự thầu.
Ngoài ra, Nguyễn Hồng Sơn (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) và Trương Thị Xuân Loan thực hiện chỉ đạo của bà Nhàn để điều hành nhân viên lập hồ sơ "quân xanh", "quân đỏ" cho các công ty trong hệ sinh thái giúp Công ty AIC và Công ty Mopha trúng thầu.
Liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Nhàn, Nguyễn Thị Thu Phương được bà Nhàn giao nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành các công ty trong hệ sinh thái của Công ty AIC và công ty đối tác để thỏa thuận liên danh dự thầu, lập hồ sơ dự thầu làm "quân xanh" giúp Công ty AIC trúng thầu.
Với 6 gói thầu sai phạm, bị cáo Nhàn và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỷ đồng.
VKS xác định, việc Công ty AIC trúng thầu còn có hành vi giúp sức của các bị cáo thuộc Công ty AIC và các công ty có liên quan. Ngoài ra, còn có hành vi tạo điều kiện của các bị cáo thuộc chủ đầu tư và hành vi thiếu trách nhiệm của các bị can khác trong quá trình thực hiện kế hoạch đấu thầu.
Đây là vụ án thứ 3 bà Nhàn bị xử lý hình sự trong khi đang trốn truy nã. Cuối năm 2022, với vai trò là chủ mưu vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn bị TAND Hà Nội tuyên phạt 30 năm tù.
Ở vụ án thứ hai đang điều tra, bà Nhàn cũng bị cáo buộc vi phạm đấu thầu tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM.