Chỉ cần laptop và Internet, văn phòng làm việc có thể là quán cà phê, căn nhà thuê, từ biển lên rừng, từ vùng cao đến thành phố lớn ở bất cứ nơi nào muốn.
Chưa có số liệu thống kê chính thức song xu hướng sống và làm việc du mục kỹ thuật số (digital nomad) đang được không ít bạn trẻ thích thú, trải nghiệm.
Những "du mục" này sẽ ở mỗi nơi vài tháng rồi đi tiếp. Họ thường là freelancer (làm việc tự do) trong các lĩnh vực truyền thông, tiếp thị, tư vấn, thiết kế, dạy học từ xa, thậm chí kinh doanh online.
Sao không thử đến thành phố khác?
Một cuộc sống học được kỹ năng để lặn ngắm san hô, tập thể thao bên bờ biển, gặp cộng đồng digital nomad thú vị, trekking, leo thác mỗi cuối tuần... Đó là những gì mà Adele Doãn (sinh năm 1995) có được sau năm tháng sống và làm việc ở Đà Nẵng.
Một mình đến Đà Nẵng từ tháng 4-2023, Adele chọn đây là nơi đầu tiên trong hành trình du mục kỹ thuật số sau 5 năm sống ở TP.HCM.
"Tôi có suy nghĩ công việc của mình có thể hoàn toàn làm từ xa, không vướng bận gì nhiều ở nơi đang sinh sống, cũng chưa lập gia đình... thì sao không đi thử đến những thành phố khác?
Vậy là tôi chọn Đà Nẵng, nơi có núi và biển. Đây cũng là TP lớn nhưng nhịp sống khác với Hà Nội hay Sài Gòn, có thể tận hưởng một ngày chậm rãi, tiếp xúc nhiều với thiên nhiên thì suy nghĩ cũng sẽ tích cực hơn", Adele cho hay khi đó chị thuê một căn nhà tại bán đảo Sơn Trà với mức giá vừa phải để bắt đầu cuộc sống mới.
Hiện Adele đang điều hành công ty tư vấn nghề nghiệp, phát triển thương hiệu cho cá nhân, doanh nghiệp và là diễn giả về lĩnh vực phát triển sự nghiệp.
"Mọi thứ đều tiện lợi, tôi được gặp gỡ nhiều người ở khắp nơi trên thế giới và nhiều ngành nghề khác nhau, vừa có thêm bạn mới lại mở ra cơ hội cho công việc". Adele tâm sự trước đó chỉ dự định ở ba tháng để khám phá, nhưng rồi... vỡ kế hoạch do "nơi này quá đẹp, thoải mái và thuận tiện nên tôi muốn gắn bó lâu"...
Sau khi rời TP biển của miền Trung, Adele đang dừng chân ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng một tháng nay.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Thương Hoài (sinh năm 1993) vừa rời đảo Phú Quý sau năm tháng trải nghiệm digital nomad.
Được truyền cảm hứng từ xu hướng này đã lâu, song ban đầu trước khi quyết định nghỉ việc tại một công ty về mảng acengy ở Đà Lạt, Hoài nghĩ mình không thể đi xa và chuyển nơi ở thường xuyên như thế.
Trong lần tình cờ thấy bài viết về hòn đảo này trên mạng, Hoài quyết định đến sống một tháng rồi mới xuống Sài Gòn làm việc. May mắn lúc này Hoài cũng tìm được vài công việc online về các mảng điện ảnh, giáo dục và du lịch làm "cần câu cơm".
Thu nhập cao hơn, trải nghiệm cũng không ít
Mang theo một chú chó rồi xách ba lô ra đảo sống một mình, Thương Hoài thuê một căn nhà, dư phòng ngủ nên biến nó thành homestay nho nhỏ, mỗi lần đón một, hai khách thuê, chủ yếu để có người bầu bạn.
Tương tự, Trần Quang Minh cũng gia nhập xu hướng này ở tuổi 24 và hiện là một người làm sáng tạo nội dung về giáo dục trên mạng xã hội, chủ yếu dạy tiếng Anh và một chút về du lịch.
"Thường tôi sẽ tìm đến những nơi ngay trung tâm để có thể dạy offline. Chỗ đấy có thể là căn phòng hoặc nhà có phòng khách, phòng ngủ để mình thuê chỗ dạy và chỗ ở, còn không thì cứ dạy online bình thường thôi" - TikToker Minh Môgu cho biết anh thường chỉ ở mỗi nơi khoảng một, hai tháng, lâu nhất là ba tháng. Anh cũng "phải lòng" đảo Phú Quý hệt như Adele và Thương Hoài.
Minh bắt đầu lối sống mà anh gọi là free location này từ đầu năm nay, khi kênh TikTok cá nhân bắt đầu có booking (tạm dịch đặt hàng - PV), có thể kiếm được tiền, giúp anh có chi phí để "đến mỗi nơi sống một vài tháng, nhớ nhà thì về quê, chán biển thì lên núi".
Với những du mục này, lịch trình một ngày của họ sẽ có nhiều điểm tương đối giống nhau.
Chẳng hạn, sáng dậy ngắm bình minh trên biển, sau đó đến quán cà phê hoặc ngồi tại nhà làm việc. Trưa có thể tụ họp một nhóm cùng nấu ăn. Đầu giờ chiều tiếp tục làm việc đến tầm 3h-4h chiều thì dành cho giải trí, khám phá.
"Có hôm đi lặn biển, nhảy thác. Tối thì tụ họp chơi trò chơi hoặc ra biển nướng cá đêm...", Adele nói và cho hay thời gian lao động thực tế dao động khoảng 4-5 tiếng/ngày, còn lại là các hoạt động vui chơi với những người bạn mới hoặc một ý tưởng nào đó cho bản thân.
Còn Hoài, cô thường đi bơi lặn cùng những người bạn mới, đa số là freelancer, có hôm thả lưới cùng ngư dân. Từ người không biết bơi và sợ nước, giờ ngày nào Hoài cũng tắm biển.
Sau năm tháng ở đảo, vượt xa dự tính chỉ ở một tháng, Thương Hoài lên đường đến làng Lò (thị xã Đông Hòa, Phú Yên) lưu trú một tháng. Tại đây, chị có thêm trải nghiệm dậy leo núi từ 3h-4h sáng, ngủ trên phiến đá dọc bờ biển khi mặt trời chói chang, cùng bạn xuống biển nhặt rác.
Những người chọn lối sống này hành trang của họ luôn tối giản, càng gọn càng tốt. Adele chỉ mang một thùng đựng đồ và một vali, quá trình ở sẽ tiếp tục bỏ bớt những thứ không còn sử dụng. "Sách đọc xong tôi sẽ gửi tặng các bạn khác, áo quần mà thấy không phù hợp với mình nữa thì tôi gửi cho các đơn vị thu gom tái chế và tái sử dụng", chị cho hay.
Tương tự, Hoài chia sẻ: "Cứ đến đó ở một tháng, xem chỗ nào ok rồi trả nhà đi thôi. Mình thích ở nơi thế nào, chi phí ra sao thì cứ vào các group trên mạng hỏi, nhờ tư vấn. Tôi có một chiếc xe máy, cứ thu dọn, chất đồ đạc lên rồi đi".
"Quăng" ở đâu cũng sống được
Sau hơn nửa năm, Hoài cảm nhận mình giờ "quăng ở đâu cũng sống được" khi liên tục thích nghi với môi trường mới, biết cách giải quyết, xử lý những thiếu thốn, vất vả ban đầu.
Chị cũng cho biết thêm: "Làm nhiều việc cùng lúc giúp tôi có thu nhập cao hơn so với làm cố định một công ty. Ngoài ra không cần ngồi văn phòng ngày tám tiếng cũng thấy khỏe hơn, được tự do, chủ động nhiều thứ" - Hoài nói mình trở nên mạnh dạn hơn, sức khỏe và tinh thần cũng tốt lên đáng kể.
Adele cũng hạnh phúc chia sẻ mình từ một người suốt ngày order đồ take away, bỏ bữa thường xuyên tới một Adele ăn gì cũng thấy ngon, ăn đủ các bữa chính và còn đúng giờ. Với Minh Môgu, anh thấy mình càng đi càng thấy khỏe.
"Hành trình nào cũng có hai mặt tốt và xấu nhưng tôi chọn nhìn vào những thứ làm mình hạnh phúc, cứ tùy cơ ứng biến, đó cũng là cái thú vị của "solo travel", giúp mình có kinh nghiệm, trở nên cứng rắn hơn", chàng trai quê Phú Thọ vui vẻ tâm sự.
Hiện sau nửa năm di chuyển liên tục, Quang Minh đang ở nhà cùng bố mẹ. Sau đó, anh dự tính di chuyển đến Hải Phòng để khám phá và tiếp tục công việc dạy học.
Còn Adele sẽ tiếp tục sống ở đảo Phú Quý thêm một tháng rồi vào Sài Gòn học thời gian ngắn. Chị có kế hoạch cuối năm nay sẽ sang Hà Lan và châu Âu khoảng hai tuần để trải nghiệm làm việc và du lịch.
Thương Hoài vừa đến Đà Nẵng khoảng một tuần. Chị trải lòng rằng chỉ cho mình một năm gap year để sống theo cách này, sau đó sẽ phải trở về guồng quay làm văn phòng cố định để có cơ hội phát triển công việc marketing đang theo đuổi.
Theo các "du mục" trẻ, để có thể sống và làm việc ở nhiều nơi như thế thì phải có khoản dự trù, tích lũy tài chính, có thể không quá nhiều tùy vào mức sống từng người nhưng nên ưu tiên chọn những địa phương có mức phí vừa phải, thậm chí rẻ.
Điều quan trọng phải tìm được việc online, làm freelance với hai, ba việc hoặc có dự án đầu tư, kinh doanh riêng để mang theo và không vướng bận gia đình.
TTO - Trước tình hình kinh tế khó khăn và đầy biến động như hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn nhân viên phải trực tiếp đến văn phòng thay vì làm việc từ xa hoặc ít nhất phải linh hoạt nơi làm việc như thời điểm dịch COVID-19 còn hoành hành.