Sáng 24-10, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức lễ công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Tại buổi lễ, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết sau 3 năm thực hiện dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, đến nay cơ bản có hơn 5,2ha đất sân bay đã được làm sạch.
Việc khử độc dioxin tại sân bay A So tuy chậm hơn so với kế hoạch (dự kiến hoàn thành trong năm 2022) do dịch bệnh, thiên tai… nhưng cơ bản dự án vẫn hoàn thành đúng yêu cầu đề ra và đảm bảo an toàn.
Trong vòng 3 năm, dự án đã thực hiện xử lý xong 5 luống đất nhiễm chất độc dioxin bằng phương pháp chôn lấp cô lập và xử lý 1 luống bằng phương pháp phân hủy sinh học.
Công nghệ chôn lấp, cô lập từng được Bộ Tư lệnh Hóa học thực hiện trong một số dự án tại sân bay Phù Cát - Bình Định, sân bay Biên Hòa - Đồng Nai đã mang lại kết quả tốt, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Chất độc được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Tổng kinh phí dự án hơn 70 tỉ đồng lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.
Sau khi cơ bản hoàn thành việc xử lý chất độc dioxin tại sân bay A So, Bộ Quốc phòng đã bàn giao lại 5,23ha đất tại sân bay cho UBND huyện A Lưới quản lý, khai thác kinh tế.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết trước mắt huyện sẽ cùng với lực lượng bộ đội, người dân địa phương trồng rừng keo tràm tại khu đất ở sân bay vừa được bàn giao.
Về lâu dài, huyện định hướng sẽ xây dựng nơi đây trở thành một địa điểm du lịch về chứng tích chiến tranh.
A Lưới có 5.000 người nhiễm chất độc dioxin
Trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã chọn thung lũng A So của huyện A Lưới để xây dựng một sân bay dã chiến.
Đây cũng là nơi chứa chất độc hóa học dioxin để không quân Mỹ đi phun rải ở khu vực miền Trung Việt Nam, trọng điểm là dãy Trường Sơn.
Trong vòng 10 năm (1961-1971), Thừa Thiên Huế với trọng điểm là sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của chất độc hóa học dioxin.
Toàn tỉnh có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới là khoảng 5.000 người.
Cụm từ "chất độc màu da cam" tưởng đã được thay thế từ lâu bởi từ chính xác hơn là "chất độc da cam/dioxin". Nhưng rất nhiều nơi vẫn lẫn lộn tên gọi khi thông tin liên quan đến nạn nhân chất độc này.