Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa tính theo USD vào năm 2023 của Nhật Bản đạt 4,23 nghìn tỷ USD, giảm 0,2% so với năm trước. Con số này thấp hơn mức 4,43 nghìn tỷ USD của Đức (tăng 8,4%). Nghĩa là Nhật Bản có thể sẽ phải “nhường” vị trí nền kinh tế thứ 3 thế giới cho Đức.
Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh đồng yên mất giá. Cụ thể, theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), tỷ giá euro/yên gần đây giao dịch ở mức khoảng 1 euro đổi gần 160 yên. Lần gần đây nhất ở mức này là vào tháng 8/2008.
Ngoài ra, tỷ giá USD/yên gần đây giao dịch ở mức khoảng 1 USD đổi 150 yên, cao đáng kể so với mức trung bình 1 USD đổi 131 yên trong năm 2022.
Sự sụt giảm của đồng yên phần lớn do sự khác biệt cơ bản trong chính sách tiền tệ. Cục Dự trữ Liên Bang (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất từ mức thấp của đại dịch để giải quyết lạm phát trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn duy trì chính sách kích thích nhằm thúc đẩy tăng trưởng sau nhiều năm giảm phát. Sự chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng gia tăng khiến đồng yên ngày càng sụt giảm mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura bày tỏ quan điểm khi được hỏi về dự báo của IMF: “Đúng là tiềm năng tăng trưởng của Nhật Bản có phần tụt lại phía sau và vẫn ở mức chậm chạp. Chúng tôi muốn lấy lại nền tảng đã mất trong 20 hoặc 30 năm qua. Chúng tôi muốn đạt được điều đó thông qua các biện pháp như gói kích thích kinh tế sắp tới.”
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết rằng gói kích thích kinh tế sẽ bao gồm việc mở rộng trợ cấp năng lượng, hỗ trợ những người có thu nhập thấp và có kế hoạch giảm thuế cho các công ty dự định tăng lương cho nhân viên.
Bên cạnh đó, dự báo của IMF cũng cho thấy Ấn Độ có thể sẽ vượt qua Nhật Bản vào năm 2026. Trong giai đoạn 2026-2028, Nhật Bản có thể sẽ rơi xuống vị trí thứ 5 thế giới, Ấn Độ đứng thứ 4 vào năm 2026 và thứ 3 vào năm 2027.
Tham khảo Bloomberg