Ngày 24-10, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, nhiều đại biểu nêu kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá tăng trưởng kinh tế từ giờ đến cuối năm và cả năm sau tiếp tục khó khăn. Với thị trường bất động sản, mặc dù Thủ tướng chỉ đạo cần sớm tháo gỡ khó khăn nhưng thực tế cả nước có không biết bao nhiêu dự án "nằm chết đứng".
Ngay tại Hà Nội hiện cũng có hơn 700 dự án chậm triển khai nhiều năm, vừa rồi đã rà soát thu hồi hơn 100 dự án với quy mô hàng nghìn ha để đấu thầu, đấu giá lại.
Theo ông Dũng, nếu tháo gỡ được vướng mắc, kích thích thị trường bất động sản thì sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực liên quan như vật liệu, điện nước, việc làm… Qua đó sẽ tác động lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, thực tế bất động sản cả nước có rất nhiều vấn đề đặt ra về pháp lý. Ví dụ như các dự án nếu lấy tư duy bây giờ, pháp luật bây giờ chiếu vào thì sai, nhưng ngày xưa các dự án không đấu thầu, đấu giá, chỉ kêu gọi nhà đầu tư vào giao đất.
Nhiều dự án doanh nghiệp đã vào giải phóng xong mặt bằng, hạ tầng làm xong nhưng cũng phải dừng lại. Nếu cứ để dự án đó thì lãng phí nguồn lực của xã hội, người dân bức xúc, mà nếu khởi động lại thì cũng lo, không biết tháo gỡ bằng cách nào vì sợ nguy cơ pháp lý.
"Chính phủ có rất nhiều quyết sách, chủ trương nhưng hiệu quả thực chất vẫn còn hạn chế. Co cụm lại hết. Hỏi lên, hỏi xuống cứ nói làm theo đúng quy định thì cũng chết" - ông Dũng nói.
Ông Dũng kiến nghị Quốc hội nên có chỉ đạo, chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết khó khăn cho bất động sản vì có những vấn đề nằm ngoài tầm quyết định của Chính phủ.
Đặc biệt là những vướng mắc chủ yếu tại Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Ông Dũng cho rằng với các dự án chậm triển khai nếu có khả năng tiếp tục thực hiện thì cần tính đúng, tính đủ giá đất theo quy định hiện hành và thị trường. Chủ đầu tư nào không còn khả năng thực hiện dự án thì cũng phải giải quyết dứt điểm.
Ông Lê Trường Lưu - bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - cũng chỉ ra một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn khó khăn, chưa tháo gỡ được, "có những việc mà chúng tôi hỏi mãi không ai trả lời".
Ví dụ như việc chuyển tiếp dự án từ Luật Đất đai năm 2003 đến Luật Đất đai năm 2013, một số dự án trước đây giao đất thông qua thủ tục hành chính, nhà đầu tư đã nộp tiền rồi. Nay khi cấp sổ đỏ thì thực hiện theo Luật Đất đai 2013 yêu cầu phải tính giá đất tại thời điểm giao đất.
Thực tế có những dự án cấp sổ theo từng giai đoạn, theo tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ đầu tư…
Về bản chất, khi nhà đầu tư đã nộp tiền là đã hoàn thành nghĩa vụ, còn việc Nhà nước chậm cấp giấy chứng nhận là trách nhiệm của Nhà nước.
Tháo gỡ cho dự án bất động sản từng xử lý sai phạm
Một vấn đề khác được ông Lê Trường Lưu nêu ra là một số dự án bất động sản có sai sót đã được xử lý, thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự rồi thì sau đó triển khai tiếp thế nào.
Tổ công tác của Chính phủ đã tháo gỡ cho một số địa phương, nhưng ông Lưu cho rằng việc xử lý những dự án như vậy cần phải xây dựng thành cơ chế chung cho cả nước, các địa phương có thể cùng áp dụng để xử lý.
Chiều 3-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết số 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.