Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về các báo cáo kinh tế - xã hội. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã khai mạc ngày 23-10 và dự kiến bế mạc vào ngày 28-11.
Tại phiên thảo luận, ông Bùi Hoài Sơn - đại biểu Quốc hội và ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội - nêu ý kiến về lý do sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, nhất là phim ảnh nhà nước đặt hàng thường khô cứng, khó tiếp cận thị trường.
Ông Sơn lấy ví dụ tiêu biểu là trường hợp tranh cãi về phim Đất rừng phương Nam vừa qua.
Đất rừng phương Nam và phim lịch sử
Cụ thể, nhân việc nhiều người làm công tác văn hóa - nghệ thuật tranh luận về Đất rừng phương Nam trong thời gian qua, ông Bùi Hoài Sơn cho biết có nhiều ý kiến đặt câu hỏi:
Tại sao phim lịch sử nước ngoài làm hay thế mà ta lại không làm được? Tại sao ta để văn hóa, nghệ thuật nước ngoài xâm lăng, để khán giả Việt Nam ngồi đây nhưng tinh thần thì "vượt biên" theo các sản phẩm nghệ thuật nước ngoài hết rồi?
Ông Sơn nêu quan điểm cần hiểu phim ảnh là nghệ thuật, mang tính hư cấu, sáng tạo chứ không hoàn toàn là lịch sử.
Ông cũng lấy ví dụ một số phim do Nhà nước đặt hàng năm nay như Đào, phở và piano và Hồng Hà nữ sĩ dù được Nhà nước đầu tư và thực hiện kỹ lưỡng, lại không gây chú ý trên thị trường điện ảnh.
Liệu có phải vì phim nhà nước khô cứng do tránh động chạm hay tại vướng mắc ở khâu phát hành nên không nhận được sự quan tâm của xã hội?
Trả lời Tuổi Trẻ Online về việc đưa câu chuyện về Đất rừng phương Nam ra bàn trước Quốc hội hôm nay, ông Bùi Hoài Sơn cho biết những vấn đề quan trọng của đất nước nên được thảo luận một cách công khai, thẳng thắn.
Đặc biệt, ông muốn bày tỏ sự trăn trở sau nhiều năm làm việc trong ngành văn hóa, đồng cảm và đồng hành với các nghệ sĩ.
"Câu chuyện phim Đất rừng phương Nam không chỉ giới hạn ở một bộ phim, mà rộng ra là cả quan điểm về cách thức làm phim lịch sử, sáng tạo nghệ thuật và cả phát triển thị trường nghệ thuật cho nước nhà.
Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới đã nhấn mạnh: "Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa" - ông Sơn nói với Tuổi Trẻ Online.
Lâu nay, sử dụng chất liệu lịch sử để sáng tác là rất đáng khuyến khích nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Đó là: làm sao cân bằng được sự tôn trọng lịch sử và sáng tạo nghệ thuật; làm sao để cân bằng đánh giá của công chúng khi công chúng giờ đây rất quan trọng, lại có nhiều ý kiến trái chiều...
Lo lắng phim ảnh, văn hóa nước ngoài "xâm lăng"
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho biết ông rất lo lắng khi chứng kiến sự phổ biến rộng rãi đến mức như một hình thức "xâm lăng văn hóa" của các sản phẩm văn học, nghệ thuật nước ngoài.
Các bộ phim lịch sử, dã sử của Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn thường được khán giả Việt tấm tắc khen nhưng những bộ phim như vậy mà làm ở Việt Nam nhiều khả năng khó thoát búa rìu dư luận.
Các bộ phim, bài hát, truyện tranh… không phù hợp với văn hóa và các giá trị đạo đức, truyền thống dân tộc Việt Nam, khiến cho một bộ phận công chúng say mê lịch sử nước ngoài, có nguy cơ lãng quên lịch sử, văn hóa dân tộc, trở thành những bản sao mờ của các nền văn hóa khác.
"Những lý do trên dẫn tôi tới mong muốn các nghệ sĩ Việt Nam có những sản phẩm văn học, nghệ thuật của người Việt Nam, cho người Việt Nam, vì người Việt Nam, từ đó dẫn lối cho chúng ta có thêm sự tự tin, niềm tự hào với lịch sử và văn hóa dân tộc, hội nhập vững chắc với thế giới" - ông Sơn nói.
Phản hồi sau phát biểu tại Quốc hội
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho biết ngay sau khi phát biểu, ông đã nhận được một số phản hồi tích cực và động viên. Tuy nhiên, ông tin rằng cũng có những ý kiến chưa đồng thuận.
Văn học nghệ thuật quá phức tạp nên bất kỳ một phân tích nào, của bất kỳ ai, về văn học, nghệ thuật cũng không hoàn toàn đúng, mà sẽ nhận được những phản biện.
Ông Sơn cho biết ông mong rằng dù có quan điểm khác nhau về một vấn đề nhưng mọi người sẽ cùng chung một mục đích là xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tốt đẹp và phát triển. Mong các nghệ sĩ tâm huyết cũng sẽ không nản chí khi khai thác đề tài lịch sử.
"Tôi cũng mong sự ủng hộ của khán giả đối với bộ phim Đất rừng phương Nam nói riêng, điện ảnh và nghệ thuật Việt Nam nói chung, nhất là các tác phẩm văn học, nghệ thuật khai thác chất liệu lịch sử" - ông Sơn chia sẻ.
Phim điện ảnh 'Đất rừng phương Nam' thu 100 tỉ đồng vào sáng 23-10, sau gần 10 ngày chiếu. Doanh thu phim tăng đáng kể sau dịp cuối tuần qua.