Kỳ vọng rất lớn nhưng thực hiện thì chậm
Sáng 24.10, Quốc hội (QH) tiến hành thảo luận tại tổ về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước.
Nêu ý kiến tại tổ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định nền kinh tế đất nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng kinh tế toàn cầu. Dù vậy, hạn chế, khó khăn vẫn còn rất nhiều và rất lớn. Có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ nhưng khả năng tháo gỡ hạn chế; ví dụ như thị trường bất động sản (BĐS) gần 2 năm vừa qua vẫn chưa tháo gỡ được dự án nào lớn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN), xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém...
Dân khó phải nghĩ ngay đến chính quyền, đến luật pháp, đó mới là tư duy lành mạnh mà chúng ta phải hướng tới.
"10 năm qua, các ngân hàng (NH) 0 đồng chúng ta vẫn chưa giải quyết được cái nào. Thậm chí đã có chủ trương cơ cấu lại các NH 0 đồng nhưng chưa xử lý dứt điểm được, tiềm ẩn rủi ro rất lớn", Chủ tịch nước nói.
Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, nhiều kỳ vọng rất lớn nhưng khả năng thực hiện thì chậm, như một đại biểu (ĐB) đã nói "con đường dài nhất là con đường giữa nói và làm". Chủ tịch nước cũng chỉ rõ "tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu", trong đó Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH sau đại dịch Covid-19 "dù kỳ vọng rất lớn, QH cũng thảo luận rất hào hứng, quyết tâm rất cao nhưng triển khai rất chậm".
Theo Chủ tịch nước, một trong những nguyên nhân do phân cấp, phân quyền đạt kết quả chưa cao, chưa rõ ràng. Từng cấp phải xác định rõ được thẩm quyền và trách nhiệm của mình, để cấp trên không phải với tay xuống làm những việc của cấp dưới. "Khi cần thiết phải hỏi thì phải trả lời rõ ràng, minh bạch. Nhưng mỗi lần đi hỏi mất tối thiểu 3 tháng, trung bình 6 tháng, thậm chí có vấn đề 9 tháng để nhận được văn bản trả lời là làm theo quy định của pháp luật", Chủ tịch nước nêu và cho rằng tư duy thích ôm đồm trong xây dựng chính sách, lĩnh vực nào cũng muốn mình có quyền trong lĩnh vực đó, nên không chịu phân cấp.
Đặc biệt, trách nhiệm trong xây dựng pháp luật, bao gồm cả luật, nghị định, thông tư chưa cao. "Trong hệ thống của chúng ta thấy cán bộ làm sai bị xử rất nặng, cán bộ nói sai đường lối, chủ trương, nghị quyết cũng từng bước xem xét kỷ luật. Nhưng ban hành một nghị định, thông tư, một luật, khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, rắc rối chưa ai bị làm sao hết", Chủ tịch nước nói và nêu "trái phiếu DN, thị trường BĐS có lỏng lẻo từ chính sách không, và nếu có thì ai chịu trách nhiệm không?".
Nhắc tới tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, theo Chủ tịch nước, cán bộ không thể né tránh, sợ trách nhiệm, nhưng phải sợ sai để làm kỹ hơn, để nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn. "Sợ sai để mình cân nhắc trước sau, lợi hại đến quốc kế dân sinh trước khi quyết định là một phẩm chất cần thiết của cán bộ", Chủ tịch nước nhấn mạnh. Cạnh đó, Chủ tịch nước cho rằng hiện có tình trạng người dân đụng chuyện là nghĩ tới mình có quen với ai không. "Dân khó phải nghĩ ngay đến chính quyền, đến luật pháp, đó mới là tư duy lành mạnh mà chúng ta phải hướng tới", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
"Có những việc chúng tôi hỏi mãi không ai trả lời"
Nêu ý kiến thảo luận, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, cho biết thu ngân sách từ đất đai ở tất cả địa phương đều giảm sút, thị trường BĐS đình trệ. Lý do, sau một giai đoạn phát triển "bong bóng", giá cả đẩy lên cao, sức mua chủ yếu từ vay NH, nên khi NH thắt chặt tín dụng khiến sức mua giảm sút...
"Có những việc chúng tôi hỏi mãi nhưng không ai trả lời. Như việc chuyển tiếp từ luật Đất đai 2003 đến 2013, một số dự án BĐS trước đây cấp đất bằng giao qua thủ tục hành chính, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư qua luật Đất đai 2013, nay lại yêu cầu giá đất được tính tại thời điểm giao đất", ông Lưu nêu.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, băn khoăn về việc chỉ có 2/3 chỉ tiêu QH giao hoàn thành (10/15 chỉ tiêu), 5 chỉ tiêu không đạt chủ yếu là kinh tế. "Thu nhập người dân, theo báo cáo của Chính phủ đánh giá tăng 6,8%. Nhưng thuế thu nhập không tăng, thị trường tiêu dùng quý 3 chỉ còn hơn 7%, xu hướng đi xuống rất rõ", ông Toàn nêu. Ngoài ra, năng suất lao động từ 2021 - 2023 chỉ loanh quanh 3,8 - 4,8%, trong khi mục tiêu là 6%. Năng suất lao động là cái gốc của phát triển bền vững, tại sao áp dụng nhiều giải pháp mà vẫn thấp? Ông Toàn cũng nêu nhiều bất cập như khát vốn nhưng nền kinh tế không hấp thụ được tiền, dù lãi suất đã hạ 4 lần. Trái phiếu DN thì "chết cứng", thị trường chứng khoán trồi sụt…
"Không có cơ chế, những con đại bàng sẽ gãy cánh"
Ngoài khó khăn hấp thụ dòng tiền, nhiều ĐB cũng lo ngại tình trạng nợ xấu đang tăng trong hệ thống NH. Theo Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tới ngày 31.8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%, do nợ xấu của một NH đang bị kiểm soát đặc biệt tăng. Dự báo, nợ xấu có thể tiếp tục tăng và điều này lý giải một phần tại sao tín dụng NH 9 tháng đầu năm nay tăng chậm.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, băn khoăn Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu được kéo dài tới hết năm 2024, nhưng nợ xấu vẫn tăng. "NH Nhà nước cần đánh giá đúng nguyên nhân nợ xấu khi tỷ lệ này đang tăng và cần có giải pháp gắn với tái cơ cấu các NH để xử lý tốt hơn vấn đề này", bà Yến đề nghị.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), thành tựu thì đáng phấn khởi, nhưng hạn chế cũng rất đáng lo ngại. Ông dẫn ra tỷ lệ xuất siêu của VN năm nay tăng, nhưng là do "nhập khẩu giảm, sản xuất giảm chứ không phải biểu hiện của nền kinh tế khỏe mạnh". Đáng lưu ý, những chỉ tiêu không đạt mang tính chất hệ thống, trong đó năng suất lao động không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Nợ xấu và nợ trái phiếu DN có xu hướng tăng. Ông cũng đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng chi phí người dân phải bỏ ra để đảm bảo người dân được thụ hưởng những thành quả của tăng trưởng.
Từ góc độ địa phương, ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thành ủy Hải Phòng, cho rằng việc thu hút nguồn lực trong dân chưa được chú ý. Người dân ngày càng có xu hướng đầu tư vào vàng, USD, trong khi NH giải ngân khó khăn, DN cần vốn. "Dân không bỏ tiền ra, NH siết lại tín dụng, thì DN - những con đại bàng sẽ gãy cánh. Cần có cơ chế huy động vốn, nguồn lực rất lớn này trong dân", ông Hiến nói.
QH thông qua danh sách 44 người được lấy phiếu tín nhiệm
Chiều 24.10, QH bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Điều hành phiên làm việc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết các báo cáo công tác của những người được lấy phiếu đã gửi tới các ĐB QH nghiên cứu. Đối với báo cáo kê khai tài sản của những người được lấy phiếu sẽ được gửi về từng đoàn ĐB QH để xem xét, nghiên cứu.
Chủ tịch QH cũng cho hay tới thời điểm hiện tại, Ủy ban Thường vụ QH không nhận được báo cáo Ủy ban T.Ư MTTQ VN cũng như ý kiến của ĐB QH phản ánh các vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm.
Tại phiên họp, Trưởng ban Công tác ĐB Nguyễn Thị Thanh trình bày tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, lần này QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 44 trong số 49 nhân sự đang giữ các chức danh do QH bầu, phê chuẩn. Có 5 người thuộc diện lấy phiếu nhưng không được lấy phiếu tín nhiệm lần này gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh.
Với đa số ĐB tán thành, QH sau đó đã biểu quyết thông qua danh sách 44 người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp 6 QH XV lần này. Theo chương trình, sáng nay 25.10, QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 44 nhân sự bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố chiều nay.