Hôm nay (25-10), Quốc hội tiếp tục thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người được lấy phiếu tại kỳ họp thứ 6.
Cụ thể, vào buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Tiếp đó, Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Vào đầu giờ chiều, Ban kiểm phiếu sẽ báo cáo kết quả kiểm phiếu. Sau đó, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ được thông tin công khai đến các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, vào chiều 24-10, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 44 người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Đồng thời, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Giúp cho các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Ông nêu rõ đây cũng là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ.
Vì vậy, đây là công việc hệ trọng, cần được tiến hành theo đúng quy trình, thủ tục chặt chẽ, đảm bảo dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch.
“Cử tri cả nước kỳ vọng và tin tưởng Quốc hội hoàn thành tốt trọng trách này”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Người có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" có thể xin từ chức
Nghị quyết 96 của Quốc hội nêu rõ có 3 mức độ tín nhiệm bao gồm "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".
Cùng với đó, tại nghị quyết 96 cũng nhấn mạnh về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.
Cụ thể, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Với người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức.
Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.
Còn khi người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên, cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.
Chiều 24-10, danh sách 44 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã được trình Quốc hội để biểu quyết thông qua.