Ngày 25.10, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết ông đã ký ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về hiện trạng sạt lở bờ sông Giao Hòa, đoạn thuộc xã Giao Long, An Hóa, H.Châu Thành.
Theo đó, sạt lở bờ sông Giao Hòa tại đoạn chảy qua địa bàn 2 xã Giao Long, An Hóa có tổng chiều dài khoảng 800 m; làm mất một đoạn dài 45 m trên tuyến đường cấp huyện, hiện phải ngưng giao thông nhằm đảm bảo an toàn. Sạt lở cũng gây hư hỏng một số đoạn kè đã được đầu tư và các công trình, cơ sở hạ tầng như cầu An Hóa, tuyến QL57B. Khu vực sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hơn 300 hộ dân, trong đó có 26 hộ phải di dời khẩn cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu UBND H.Châu Thành cho sơ tán khẩn cấp người dân và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm tại ranh giới bên trong các biển báo; bố trí người trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở tại các khu vực đang có nguy cơ cao.
Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Bến Tre phối hợp chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan tổ chức lập phương án xử lý khẩn cấp sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Trong khoảng 10 năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn, gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ... Theo kết quả thống kê, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134 km.
Năm 2023, tỉnh Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định cấp bổ sung kinh phí 300 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, kinh phí bố trí cho phòng chống sạt lở bờ sông Giao Hòa khoảng 100 tỉ đồng; dự án sạt lở bờ biển khu vực Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận, H.Ba Tri) khoảng 200 tỉ đồng.