Đó là nội dung kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi - trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP - tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP quý 3-2023.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm. Các đơn vị cần tập trung rà soát tiến độ thực hiện nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch cải cách hành chính năm 2024.
Văn phòng UBND TP chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu các điểm nghẽn trong cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, tham mưu UBND TP giải pháp và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Thực hiện chậm nhất ngày 10-11.
Chủ tịch UBND TP cũng nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, từng cán bộ, công chức, viên chức trong việc cải cách thủ tục hành chính. Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng, không để tồn đọng hồ sơ mới, tìm nguyên nhân, giải pháp, giao nhiệm vụ cho từng chuyên viên phụ trách.
Đồng thời cần rà soát quy trình nội bộ, giảm bớt khâu trung gian. Phối hợp giữa các sở ngành và địa phương cần được cải tiến, xác định cụ thể đối tượng lấy ý kiến, nội dung lấy ý kiến, nội dung trả lời, thời gian trả lời, mẫu hóa văn bản trả lời trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chữ ký số.
TP.HCM sẽ công khai danh sách cán bộ, công chức, viên chức xử lý hồ sơ chậm. Nghiêm túc xin lỗi khi giải quyết hồ sơ trễ hạn.
Với các cơ quan, đơn vị chưa có bộ phận pháp chế, thì phân công từ 1 đến 2 nhân sự kiêm nhiệm phụ trách pháp chế và cử tham gia các khóa học, lớp đào tạo, bồi dưỡng do Sở Tư pháp tổ chức.
Ngoài ra, chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị tập trung cải thiện các điểm yếu, điểm trừ về chỉ số cải cách hành chính TP. Các đơn vị tập trung xử lý hồ sơ và công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.
Sở Nội vụ nghiên cứu các giải pháp để nâng cao hiệu quả khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đối tượng được phát phiếu điều tra xã hội học thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, cho ý kiến.
Các cơ quan, đơn vị cũng thực hiện nghiêm việc ký số, áp dụng đồng bộ chữ ký số đến từng cán bộ, công chức, viên chức. Hoàn thành chậm nhất ngày 15-11.
Cần sớm tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, quy định trong triển khai dự án, hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm tiếp sức thêm cho nền kinh tế vượt qua khó khăn, tránh tình trạng 'đẩy đi đẩy lại' và 'làm theo quy định' mà không có hướng giải quyết cụ thể.