Ngày 25-10, bên lề Triển lãm quốc tế máy móc ngành dệt may được tổ chức tại TP.HCM, ông Phạm Văn Việt - phó chủ tịch thường trực Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho biết trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam tiếp tục giảm 20% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh hiện nay, các đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều cạnh tranh hơn không chỉ đến từ thị trường mà còn từ hàng rào các tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó áp dụng tiêu chí xanh trong sản xuất.
Hiện nay thị trường châu Âu (EU) đòi hỏi sản phẩm đạt chuẩn OEKO TEX, một tiêu chuẩn đánh giá tỉ lệ các chất độc hại trong ngành may mặc, đảm bảo được những sản phẩm cung cấp an toàn cho người tiêu dùng. Vì vậy, nếu doanh nghiệp lựa chọn phát triển bền vững thì phải cân nhắc đầu tư máy móc, quy trình sản xuất thân thiện để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo ông Việt, đến năm 2024 các doanh nghiệp dệt may không đáp ứng được các tiêu chí xanh của EU sẽ bị áp thuế bảo vệ môi trường. Hiện tại TP.HCM chỉ mới có 5 - 10% doanh nghiệp dệt may đạt các tiêu chuẩn xanh của EU, đây là một con số rất khiêm tốn.
"Một chiếc quần jeans sản xuất theo quy trình thông thường chỉ bán được giá 200.000 đồng, nhưng nếu đáp ứng các tiêu chí xanh, thân thiện môi trường thì giá bán có thể cao gấp đôi", ông Phạm Văn Việt ví dụ.
Các doanh nghiệp cần nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua giảm thuế, đưa vào các chương trình kích cầu, hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ.
Hơn 500 đơn vị đến triển lãm quốc tế máy móc ngành dệt may
Chính vì nhu cầu chuyển đổi lớn từ thị trường mà Triển lãm quốc tế lần thứ 21 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành dệt may - VTG 2023 thu hút hơn 500 nhà triển lãm từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 830 gian hàng. Đây là con số "khủng" kể từ sau dịch đến nay cho quy mô một đợt triển lãm quốc tế.
Triển lãm kéo dài đến ngày 28-10.
Khi doanh nghiệp thiếu đơn hàng dẫn tới sản xuất thu hẹp, những tưởng nguồn lao động sẽ dồi dào. Nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn thiếu công nhân, vì sao?