Ngày 25-10, Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa ghi nhận ca tử vong liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ tại TP.HCM. Bệnh nhân là nam, 29 tuổi (ngụ Long An) có bệnh cảnh suy giảm miễn dịch giai đoạn cuối.
Tử vong do suy giảm miễn dịch nặng
Theo báo cáo tóm tắt của BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), bệnh nhân nhập viện ngày 2-10 vì sốt, nổi mụn nước chín ngày. Bệnh nhân được nhập viện cách ly điều trị, xét nghiệm sang thương mụn nước có kết quả PCR dương tính với đậu mùa khỉ.
Cạnh đó, bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng với xét nghiệm HIV dương tính và tế bào TCD4 1/uL. Nhiễm trùng toàn thân nặng với nhiễm nấm Candida xâm lấn, nhiễm Pneumocystis jirovecii, lao lan tỏa, sau đó diễn tiến vào tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng nặng.
Bệnh nhân được điều trị tích cực với kháng sinh, kháng nấm, kháng lao, thở máy, lọc máu. Tuy nhiên tình trạng diễn tiến nặng và tử vong sau 18 ngày điều trị.
Đây là bệnh nhân tử vong liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP.HCM cũng như tại Việt Nam. Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo thành lập hội đồng chuyên môn để có kết luận và báo cáo về trường hợp này.
Nguy cơ mắc đậu mùa khỉ ở trẻ em rất thấp
Theo các báo cáo nghiên cứu, tỉ lệ mắc bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em hiện nay rất thấp, tỉ lệ biến chứng cũng thấp. Trên thực tế, nguy cơ mắc bệnh này ở trẻ em thấp hơn nhiều so với người lớn, tuy vậy không nên chủ quan mà phải luôn phòng ngừa, bảo vệ kỹ trẻ em có sức đề kháng kém, mắc bệnh nền.
BS CKII NGUYỄN TRẦN NAM, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố
Cũng theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 23-10, ngành y tế TP đang điều trị cho 20 ca (17 nam, một nữ) mắc đậu mùa khỉ tại BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM). Trong đó, 18/20 ca chẩn đoán B20 (mắc hội chứng truyền nhiễm do virus HIV gây ra). Hiện có hai ca lâm sàng diễn tiến nặng.
Nhận biết và phòng ngừa đậu mùa khỉ
BS CKII Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Da liễu TP.HCM), cho biết bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan qua đường tiếp xúc, các giọt bắn. “Khi tiếp xúc với những dịch tiết hoặc sang thương da của bệnh nhân, ta có thể bị lây nhiễm bệnh. Đậu mùa khỉ cũng có thể lây qua đường quan hệ tình dục” - BS Thảo chia sẻ.
Cũng theo BS Thảo, trong một số trường hợp, đậu mùa khỉ có thể chuyển nặng từ tuần thứ hai của bệnh và dẫn đến nguy cơ tử vong. Với những ca bệnh nặng có thể gây ra các biến chứng như nhiễm khuẩn ở da, viêm phổi, viêm não, thậm chí nhiễm trùng huyết.
“Những biểu hiện đầu tiên của đậu mùa khỉ là nhiễm siêu vi dẫn đến sốt, mệt mỏi, nổi hạch. Sau đó xuất hiện những mụn nước, mụn mủ rải rác khắp cơ thể, có thể có nhiều mụn nước và mụn mủ hợp lại một chỗ. Mụn thường nổi ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc bộ phận sinh dục” - BS Thảo nói.
Tuy vậy, từ tuần thứ ba của bệnh, sau khi đã kiểm soát được các triệu chứng, đậu mùa khỉ sẽ ở giai đoạn lui bệnh và bắt đầu khỏi. “Để phòng ngừa bệnh, người dân cần vệ sinh tay thường xuyên. Khi tiếp xúc với những người có yếu tố nguy cơ mắc đậu mùa khỉ nên tầm soát kỹ các triệu chứng. Nếu xuất hiện bất thường cần đến cơ sở y tế để được thăm khám” - BS Thảo khuyến cáo.
Theo BS CKII Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, đậu mùa khỉ chưa có vaccine phòng ngừa, vì thế để phòng tránh bệnh chủ yếu vẫn là đảm bảo vệ sinh, nâng cao sức đề kháng, thực hiện an toàn tình dục.
“Với người đi từ những nơi có dịch bệnh lưu hành về, nếu thấy bất thường về sức khỏe cần đi khám, khai báo và xét nghiệm kịp thời. Người bình thường cần khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát các bệnh mới mắc hoặc bệnh mạn tính không lây” - BS Nam khuyên.
Tại Quyết định 3044/QĐ-BYT của Bộ Y tế đã bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay-chân-miệng, thủy đậu…
Đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh thường là 6-13 ngày nhưng cũng có thể là 5-21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy từng giai đoạn bệnh nhưng tương tự đậu mùa. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần. (Nguồn: Bộ Y tế)