Bạn đọc Trương Kiệt cho rằng: "Cần dẹp bỏ ngay việc sản xuất rượu thủ công không phép, vừa thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm vừa tiếp tay cho tệ nạn say xỉn. Đừng để cái nghèo làm lý do nghiện rượu bia, đừng vin vào những cơn say để làm "bùa hộ mạng" cho các hành vi tổn hại tới sự an toàn và phát triển của cộng đồng".
Bạn đọc Tân bày tỏ: "Hiện nay tôi thấy nạn bia rượu tràn lan, thậm chí nguy cơ trở thành tiêu chuẩn để đánh giá "năng lực giao tiếp, khả năng ngoại giao". Để hạn chế nạn bia rượu tràn lan với lớp trẻ, trước hết là phải có tấm gương của người lớn trong gia đình, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài xã hội; sau đó là sự quản lý của Nhà nước về sản xuất, tiêu dùng bia rượu".
Bạn đọc có nick name Mèo Đen có ý kiến: "Không cấm hoàn toàn rượu bia nhưng phải xem rượu bia là sản phẩm tiêu dùng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng khi lạm dụng. Nhà làm luật nên có biện pháp lâu dài như đánh thuế thật cao việc sản xuất, kinh doanh bia rượu; phạt nặng khi làm việc, lái xe có nồng độ cồn… Như hiện nay, xã hội tổn thất quá nhiều vì nạn lạm dụng bia rượu, từ việc mất thời gian, sức lao động, sức khỏe, chi phí chữa bệnh, tai nạn giao thông liên quan rượu bia… Mức thuế với mặt hàng rượu bia đủ cao để giảm số người có thể dễ dàng mua uống".
Bạn đọc Ngoc An đồng tình: "Nên tăng thuế lên cao hơn với rượu bia, thuốc lá để hạn chế nhiều người có thể tiếp cận và dùng số lượng ít". Bạn đọc Nguyễn Chí Công cũng cho rằng: "Đưa rượu bia, thuốc lá vào các mặt hàng phải chịu thuế đặc biệt thật cao hoặc tăng thuế đối với người bán rượu bia".
Người Việt uống rượu quá nhiều, đến ghiền bia rượu. Việc này ai cũng thấy, ai cũng nói. Uống rượu bia nhiều "nổi tiếng thế giới" thì có gì hay? Vậy làm cách nào để mỗi người uống ít đi và giảm bớt người ghiền rượu?