Giá gạo ở chợ tăng nhẹ
Cuối tháng 10/2023, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam bám sát diễn biến giá lúa gạo thế giới và luôn sẵn sàng nguồn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm. Ông Huỳnh Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang chia sẻ: "Công ty đang tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết bền vững với nông dân, bạn hàng, đối tác, khách hàng để ổn định về mặt nguyên liệu, vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra; đảm bảo duy trì tính ổn định cho hoạt động thu mua, sản xuất và tiêu thụ cả khi thị trường biến động".
Nhận định về cơ hội khi giá gạo xuất khẩu tăng mạnh, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, giá gạo xuất khẩu tăng mạnh như hiện nay được xem là “thời cơ vàng” cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Những lệnh cấm xuất khẩu của một số nước trên thế giới hiện nay không ảnh hưởng đến tình hình lúa gạo của Việt Nam. Việt Nam đang có khả năng bán được gạo nhiều hơn, dựa trên diện tích lúa có thể tăng được. Đặc biệt, vụ Thu Đông 2023, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến tăng thêm 50.000 - 60.000 ha lúa, tương đương với 100.000 - 150.000 tấn gạo ra thị trường quốc tế. Do đó, đây là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của một cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới”, ông Thuận nói.
Chính từ xu hướng này, giá gạo bán lẻ tại hệ thống chợ dân sinh, hộ kinh doanh đã tăng nhẹ. Ông Nguyễn Văn Triệu - chủ cửa hàng gạo Bình Triệu trên đường số 6, Tp. Thủ Đức cho hay, hiện mỗi yến gạo tẻ thường đã tăng khoảng 2.000 đồng, trong đó gạo hương lài, thơm lài… tăng lên mức 19.000 - 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, các loại gạo nở cũng tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg lên mức 17.000 - 17.500 đồng/kg.
“Liên tục 1 tháng nay các nhà cung cấp gạo đã gửi bảng thông báo tăng giá, trong đó mức tăng thấp nhất là 1.000 đồng/kg, có loại gạo tăng hơn 1.500 đồng/kg. Do giá gạo đầu vào tăng cao nên chúng tôi không dám nhập hàng và vẫn bán gạo đã mua dự trữ từ 2 tháng trước”, ông Triệu cho biết.
Nguyên nhân giá gạo bán lẻ tăng được giới kinh doanh lý giải là do tác động từ giá gạo xuất khẩu tăng cao trong vòng 3 tháng trở lại đây. Theo đó, kể từ giữa tháng 7/2023 (thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo) tới nay giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt đã tăng trên 100 USD, lên mức đỉnh lịch sử là 643 USD/tấn vào cuối tuần trước.
Siêu thị nỗ lực ổn định giá gạo
Trong khi giá gạo đang có biến động, nhiều hệ thống siêu thị cho biết vẫn đang áp dụng bán giá bình ổn mặt hàng này, thậm chí một số loại gạo còn đang được giảm giá mạnh với mức bình quân từ 7-41%.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin cuối tháng 10, các siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra của nhà bán lẻ Saigon Co.op đang áp dụng giảm giá từ 23-30% cho gạo thơm thượng hạng.
Tương tự Wimart cũng áp dụng giảm giá từ 7-16% cho một số loại gạo khi mua online như: Gạo tám Gò Công Vinafood1; gạo ST25 giống cây trồng TW; gạo ST25 Bảo Minh lúa ruộng tươi; gạo tám Sóc Trăng Vinafood1,…
Theo chia sẻ của các nhà bán lẻ, sở dĩ thời điểm này giá gạo bán trong siêu thị vẫn giữ vững giá, thậm chí còn điều chỉnh giảm do doanh nghiệp ký hợp đồng với đơn vị cung ứng từ trước và đề nghị đối tác giữa giá nên góp phần đưa ra giá bán bình ổn hơn so với thị trường.
Đại diện Saigon Co.op cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm tham gia chương trình bình ổn thị trường, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ và luôn đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, đúng kế hoạch.
Giá được thu mua từ nguồn kết hợp thêm khai thác hiệu quả mạng lưới phân phối hơn 800 điểm bán trên toàn quốc được giữ ổn định, không chịu biến động từ thị trường. Do nguồn dự trữ dồi dào nên cơ bản giá bán gạo tại các hệ thống phân phối không chỉ giữ ổn định mà còn được áp dụng giảm giá trong nhiều thời điểm khác nhau để hỗ trợ người tiêu dùng.
Theo chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, đại diện Cục Quản lý thị trường Tp.HCM cho biết, gạo là loại mặt hàng có giá bán không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá nên việc điều chỉnh giá gạo tùy thuộc giá thị trường, vào tình hình sản xuất và cung cầu nên lực lượng quản lý thị trường tập trung vào việc kiểm tra các vi phạm về không niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng.
Báo cáo mới nhất của Cục Quản lý thị trường Tp.HCM khẳng định, mặc dù gạo “sốt giá” từ tháng 7/2023 nhưng tình hình thị trường gạo trên địa bàn tương đối ổn định, có niêm yết giá. Lực lượng chức năng cũng chưa phát hiện các hành vi vi phạm liên quan đến việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng này.
Trước đó, từ tháng 4/2023, Sở Công Thương Tp.HCM đã có kế hoạch thực hiện chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Cụ thể, gạo là 1 trong 11 nhóm hàng được bình ổn và giao chỉ tiêu cho một số đơn vị, công ty lương thực trên địa bàn.
Các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 23% đến 31% trong khi các tháng Tết thì lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường.Việc có kế hoạch ngay từ đầu năm đã giúp giá gạo bình ổn tại các kênh bán lẻ luôn thấp hơn giá ngoài thị trường từ 5-10%.
Tuy nhiên, một số nhà bán cho biết, doanh nghiệp bán lẻ bị động nguồn cung do phụ thuộc vào nhà cung cấp. Vì vậy, nếu từ nay đến cuối năm giá nhập tiếp tục tăng, giá bán ra ít nhiều gì cũng phải được điều chỉnh tăng.