Dấu hiệu thầm lặng, biến chứng nguy hiểm
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Anh, phó trưởng khoa huyết học miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng), cho biết nhiều người bệnh khi thấy phía dưới da xuất hiện nhiều chấm đỏ như phát ban có thể chỉ nghĩ rằng mình bị dị ứng (dị ứng với thời tiết, thực phẩm, hóa chất…).
Hoặc khi xuất hiện các vết bầm tím thì thường nghĩ do mình trong quá trình vận động đã xảy ra va đập nên chủ quan không đi khám, đến khi xuất hiện kèm theo một số triệu chứng khác (chảy máu nướu răng, chảy máu mũi, nôn ra máu…) thì được phát hiện giảm tiểu cầu miễn dịch ở giai đoạn nặng.
Mới đây, bệnh nhân T.B.H., 49 tuổi, vào điều trị tại khoa huyết học miễn dịch lâm sàng với triệu chứng xuất hiện nhiều chấm đỏ như phát ban. Bệnh nhân V.Đ.T., 24 tuổi, nhập viện với những vết bầm tím xuất hiện trên da không do va đập kèm chảy máu nướu răng, trong miệng, chảy máu cam thường xuyên...
Rất may cả hai đều được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên chưa gặp phải các biến chứng nguy hiểm của bệnh như: xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi ngoài phân đen); xuất huyết đường tiết niệu (tiểu ra máu); xuất huyết não, màng não: người bệnh thường đau đầu, buồn nôn, nôn, chảy máu não và tử vong hay một số biểu hiện thần kinh khu trú như liệt vận động, đại tiểu tiện không tự chủ...
"Hầu hết các trường hợp giảm tiểu cầu miễn dịch không có triệu chứng nên thường chỉ được phát hiện trong quá trình xét nghiệm máu để chẩn đoán các bệnh lý khác. Giảm tiểu cầu miễn dịch được xác định khi có giảm tiểu cầu đơn độc, số lượng tiểu cầu ngoại vi <100 G/L và không có nguyên nhân hoặc bệnh lý nào khác gây ra tình trạng giảm tiểu cầu" - bác sĩ Ngọc Anh nói.
Giải thích về các vết bầm tím trên da, bác sĩ Ngọc Anh cho biết máu trong cơ thể con người được hình thành từ nhiều thành phần khác nhau, trong đó có tiểu cầu. Đây là một trong những tế bào máu có nhiều vai trò, chức năng quan trọng, điển hình là chức năng đông cầm máu…
Giảm tiểu cầu miễn dịch (xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn hay xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch) là tình trạng bệnh lý trong đó tiểu cầu ngoại vi bị phá hủy ở hệ liên võng nội mô do sự có mặt của một tự kháng thể kháng tiểu cầu.
Điều này làm giảm số lượng tiểu cầu lưu thông trong máu, ảnh hưởng đến quá trình đông máu và khiến người bệnh dễ bị bầm tím, chảy máu. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ ai, cả người lớn và trẻ em.
Theo nhiều thống kê, cứ 100.000 trẻ em thì có 2,2 - 5,3 trẻ bị giảm tiểu cầu miễn dịch và cứ 100.000 người lớn thì có 3,3 người mắc bệnh này mỗi năm. Nếu người bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện bầm tím và chảy máu, nghiêm trọng hơn là xuất huyết não và dẫn đến tử vong.
Biểu hiện của nhiều bệnh
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, giảng viên Trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, khuyên dù nguyên nhân gây ra các vết bầm tím trên da là gì thì bạn cũng không nên chủ quan, vì đây là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm khác:
- Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường sẽ gây ra một số biến đổi trên cơ thể chẳng hạn như biến đổi màu da thành ngăm đen, thường xảy ra ở những vùng da hay có sự va chạm, cọ xát với vùng da khác. Những biến đổi này rất dễ gây nhầm lẫn với các vết bầm tím nhưng nguyên nhật thật sự là do tình trạng kháng insulin gây ra.
- Rối loạn máu: Trong các bệnh về máu có bệnh máu khó đông khiến máu không đông lại dễ dàng và hay bị chảy máu kéo dài. Ở người mắc bệnh này, chỉ cần một va chạm nhẹ cũng có thể gây ra bầm tím.
- Bệnh gan: Sử dụng rượu quá mức trong thời gian dài là nguyên nhân gây ra bệnh gan như xơ gan, K gan. Xơ gan và các bệnh gan khác sẽ làm suy giảm chức năng gan một cách từ từ.
Khi bệnh gan tiến triển, gan sẽ ngừng sản xuất các protein giúp đông máu. Hậu quả là người bệnh sẽ dễ bị chảy máu quá nhiều và dẫn tới hiện tượng bầm tím trên da. Ngoài ra, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa, mệt mỏi, hay ốm vặt, sưng chân, nước tiểu sẫm màu, da và mắt bị vàng...
- Các loại ung thư liên quan đến máu và tủy xương: Lượng máu tăng đột ngột và xuất hiện cả những vết bầm tím trên da là một dấu hiệu báo động của các loại bệnh ung thư liên quan đến máu, tủy xương như bệnh bạch cầu...
- Bệnh ban xuất huyết: Trong bệnh này, máu thoát ra từ các mao mạch nhỏ dẫn đến hàng ngàn vết bầm tím nhỏ. Bệnh có thể kèm theo ngứa ở những trường hợp nặng.
- Thiếu vitamin: Vitamin C đóng vai trò quan trọng để chữa lành vết thương và hình thành collagen. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin C sẽ khiến các mạch máu nhỏ bị vỡ, kết quả gây bầm tím.
Thiếu vitamin B12 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất máu, thiếu vitamin K làm giảm đông máu, thiếu vitamin P khiến quá trình sản xuất collagen gặp khó khăn, dẫn đến các mạch máu trở nên mỏng và có thể sinh ra các vết bầm tím thường xuyên.
Ngoài ra, xuất huyết dưới da cũng có thể xuất hiện sau quá trình thực hiện các bài tập thể thao nhanh, mạnh, sự sụt giảm collagen sau 60 tuổi hoặc dùng nhiều một số loại thuốc như: aspirin, thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc chống đông máu, thuốc có chứa sắt hoặc thuốc chống hen ...
Cách xử trí vết bầm tím xuất huyết
Chườm lạnh bằng túi nước đá hoặc túi rau đông lạnh ở vùng da bị ảnh hưởng trong 20-30 phút để tăng tốc độ phục hồi và giảm sưng.
Nâng chân lên cao càng nhiều càng tốt trong 24 giờ đầu tiên sau khi bị thương nếu các vết bầm tím chiếm một vùng da lớn ở chân hoặc bàn chân.
Dùng khăn ấm chườm lên vết bầm trong 10 phút hoặc lâu hơn sau khoảng 48 giờ bị thương, thực hiện 2-3 lần một ngày có thể làm tăng lưu lượng máu đến vùng thâm tím, giúp da hấp thu máu nhanh chóng hơn, vết thâm sẽ mờ dần.
TTCT - Việc có một vắc xin sốt xuất huyết thực sự hiệu quả vô cùng khó khăn, dù khoa học đã bắt đầu hành trình này từ gần một thế kỷ trước.