Vị lãnh đạo công ty chứng khoán này nhận định để giữ chân khách hàng lâu dài, các yếu tố như: sản phẩm, dịch vụ tốt; đội ngũ tư vấn uy tín và hệ thống công nghệ hiện đại mới là cốt lõi.
Cuộc đua cắt giảm phí, tăng hoa hồng...
Theo thống kê của Tuổi Trẻ Online từ báo cáo tài chính 25 công ty chứng khoán lớn trên thị trường, tổng doanh thu môi giới quý 3-2023 hơn 3.700 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Diễn biến này phù hợp với sự sôi động của thị trường những tháng của quý 3 năm nay, khi phần lớn thanh khoản các phiên đều hơn 20.000 tỉ đồng. Song nếu so với năm bùng nổ 2021, vẫn giảm tương đối nhiều.
Xét riêng từng công ty, Chứng khoán VPS tiếp tục dẫn đầu về doanh thu môi giới quý 3 với 953 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.
Những cái tên xếp ngay sau trong danh sách thị phần cũng đều có mức tăng trở lại như SSI đạt 535 tỉ đồng, VNDirect 301 tỉ đồng, TCBS 147 tỉ đồng, MBS 213 tỉ đồng, HSC 224 tỉ đồng, còn Mirae Asset đạt 192 tỉ đồng…
Cùng với thăng trầm thị trường, cuộc chiến thị phần "nóng" hơn bao giờ hết. Lần đầu VPS xuất hiện trong "top 10" từ quý 1-2018 - lúc ấy họ chỉ có 2,86% thị phần.
"Đến nay, khi chiếm tới khoảng 1/5 thị phần trên HoSE, VPS đã bỏ lại khá xa các vị trí xếp sau. Để vượt VPS, quả thực không hề dễ, ngay cả với các vị trí thứ 2, 3", lãnh đạo một công ty chứng khoán nhận định với Tuổi Trẻ Online.
Theo vị này, cách thức một số công ty giành thị phần là "đua" cắt giảm phí trong khi các đối thủ vẫn áp dụng mức 0,2-0,35%, chia hoa hồng 60-70% trong khi nhiều nơi chỉ bằng một nửa...
"Mỗi công ty có chiến lược riêng hút khách hàng. Có những đơn vị tập trung đẩy mạnh phát triển công nghệ, thay vì tuyển ồ ạt nhân sự rồi trả hoa hồng cao", ông Trần Ngọc Báu - tổng giám đốc Công ty cổ phần Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup - nói thêm.
Với chính sách đua cắt giảm phí, ông Báu cho biết đây là một trong các cách công ty chứng khoán giành thị phần thời gian qua. Nhưng đây khó là chiến lược kéo dài và chỉ tập trung một số nơi muốn mở rộng khách hàng cá nhân. Trong khi, các công ty tập trung khách hàng tổ chức, hiệu quả kinh doanh tốt mà không cần "đua" giảm phí.
Tuy nhiên, ngay cả khi một số công ty khẳng định việc "ưu tiên tính hiệu quả trong hoạt động môi giới" thì lợi nhuận gộp mảng này thời gian qua vẫn "mòn" đáng kể trước cuộc cạnh tranh "zero-fee", "free & premium"... cùng với tỉ lệ chiết khấu cao. Thậm chí có những đơn vị bỏ chi phí cao hơn doanh thu, chấp nhận âm mảng này.
Phía sau câu chuyện thị phần là gì?
Nói với Tuổi Trẻ Online, chủ tịch hội đồng quản trị một công ty chứng khoán có trụ sở ở TP.HCM (đề nghị giấu tên) nhìn nhận mức độ cạnh tranh thị trường này ngày càng gay gắt, nhưng phía sau có rất "nhiều vấn đề".
"Cắt giảm phí để cạnh tranh, tuyển các cộng tác viên ồ ạt, không cần kinh nghiệm, chia hoa hồng cao chót vót... Trong khi các giá trị cốt lõi về sản phẩm, dịch vụ lại bị phớt lờ, thậm chí làm ẩu.
Không ít nhà đầu tư lỗ nặng vì nghe hô hào mua bán, lôi hết vào room nọ, room kia, cho vay margin "kho ngoài" tỉ lệ cao…", vị lãnh đạo nói. Nhà đầu tư nên cân nhắc nhiều yếu tố trong việc lựa chọn đơn vị đồng hành, đừng vì lợi ích nhỏ mà nhận hậu quả lớn.
Cũng theo vị này, có đơn vị chấp nhận biên lợi nhuận mảng môi giới mỏng dần, bù lại việc lôi kéo nhiều khách hàng có thể mang lại nguồn lợi lớn hơn từ việc cho vay margin hay lợi ích khác...
Ông Trần Ngọc Báu cho rằng thị phần không phải duy nhất đo lường hiệu quả kinh doanh công ty chứng khoán. Thị phần là chìa khóa quan trọng với một số công ty để khai thác dịch vụ mở rộng.
Tuy nhiên, ngay cả khi có được tệp khách hàng lớn, hiệu quả kinh doanh vẫn là ẩn số. "Thị trường, nhà đầu tư đa phần tỉnh táo, nếu không có chiến lược phù hợp, hiệu quả thì cũng sẽ bị quay lưng", ông Báu nói.
Theo ông Báu, phí rẻ là yếu tố ban đầu để thu hút khách hàng, nhưng tính ổn định hệ thống giao dịch, giá trị về mặt thương hiệu, môi giới - tư vấn uy tín, chuyên nghiệp mới là những yếu tố quan trọng để tạo nên sự bền vững.
Trên thực tế, một số công ty chứng khoán khẳng định việc không "đua" giao dịch "0 đồng". Bù lại, họ định vị thương hiệu bằng sản phẩm chất lượng, công nghệ mới cùng đội ngũ chất lượng.
10 công ty chứng khoán dẫn đầu nắm giữ 69,7% thị phần môi giới cổ phiếu trên thị trường, theo công bố quý 3-2023 từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).