Với sự nhập cuộc của dòng tiền bắt giá thấp, VN-Index có thời điểm đã gắng gượng lấy lại được ngưỡng 1.060 điểm, song lực mua dần đuối sức trước áp lực bán quá mạnh.
Tạm kết phiên sáng 26/10, chỉ số đại diện sàn HoSE đánh rơi 44,62 điểm tương ứng 4,05% còn 1.057,04 điểm. Chỉ số tạm thời đang giữ được ngưỡng 1.050 điểm nhưng mức thiệt hại là rất lớn.
Phiên này chứng kiến tình trạng bán tháo mạnh mẽ tại nhiều cổ phiếu bất động sản. Hàng loạt cổ phiếu bị bán giá sàn: Ngoài "họ Vin", loạt cổ phiếu bất động sản như DRH, HQC, NTL, NBB, DXS, PTL, PDR, IJC, VRC đồng loạt nhuộm màu xanh da trời. Tương tự với loạt cổ phiếu ngành tài chính.
VN30-Index mất 46,1 điểm tương ứng 4,14%. HNX-Index lao dốc mạnh, sau buổi sáng đã bị thổi bay 5,14% tương ứng 11,67 điểm; UPCoM-Index giảm 2,84 điểm tương ứng 3,32%.
Sắc đỏ bao trùm thị trường với 881 mã giảm; 80 mã giảm sàn. Phía tăng chỉ có 72 mã với 17 mã tăng trần. Chỉ số chịu tác động tiêu cực bởi tình trạng giảm mạnh của loạt cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30.
Toàn bộ 30 mã trong rổ chỉ số VN30 đều giảm và giảm mạnh, trong đó có 4 mã giảm sàn là VIC, VHM, VRE và MSN. VHM và VIC giảm kịch sàn đã lần lượt lấy đi của VN-Index 3,39 điểm và 2,97 điểm. Bên cạnh đó, GAS, VPB, MSN, GVR, FPT cũng gây thiệt hại nặng cho chỉ số chung.
Riêng tại VHM, mã này được khớp lệnh hơn 5 triệu cổ phiếu nhưng vẫn dư bán sàn 25,4 triệu đơn vị. VIC khớp lệnh 7,2 triệu đơn vị, dư bán giá sàn 4,3 triệu đơn vị; VRE khớp lệnh 5,8 triệu cổ phiếu, dư bán sàn 724.100 đơn vị.
MSN cũng giảm sàn về mức 61.400 đồng, khớp lệnh đạt 2,5 triệu đơn vị. Một loạt cổ phiếu đầu ngành khác giảm sâu, có thời điểm giảm sàn như SSI giảm 6,8%; khớp lệnh 35,6 triệu đơn vị; PLX giảm 6,6%; GVR giảm 6,3%; GAS giảm 5,5%.
Về giá trị tuyệt đối, MSN sáng nay giảm 4.600 đồng; VIC giảm 3.100 đồng; VJC giảm 2.800 đồng; FPT giảm 4.000 đồng; MWG giảm 2.150 đồng; TCB giảm 1.300 đồng; VPB giảm 1.000 đồng; HPG giảm 750 đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá trị tài sản cổ phiếu nhiều đại gia chứng khoán cũng sụt mạnh.
Cụ thể, tại Vingroup, mặc dù nhóm cổ đông liên quan tới ông Phạm Nhật Vượng vẫn sở hữu hơn 2,4 tỷ cổ phiếu VIC nhưng xét riêng cá nhân ông Phạm Nhật Vượng thì lượng sở hữu đã giảm còn 691,27 triệu cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 17,87% vốn điều lệ tập đoàn. VIC giảm sàn khiến giá trị tài sản chứng khoán của người giàu nhất Việt Nam bị thu hẹp 2.143 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group - mặc dù chỉ sở hữu trực tiếp 15 cổ phiếu MSN nhưng ông gián tiếp sở hữu khoảng 252 triệu cổ phiếu này tương đương với 22% cổ phần Masan Group. Phiên sáng nay, MSN giảm sàn cũng khiến giá trị tài sản "vua" hàng tiêu dùng suy giảm khoảng 1.159 tỷ đồng.
Ông Hồ Hùng Anh với sở hữu 39,3 triệu cổ phiếu TCB cũng ghi nhận sụt giảm hơn 51 tỷ đồng tài sản nắm giữ tại mã này.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD, cũng sụt giảm khá mạnh tài sản cổ phiếu trong sáng nay. Theo đó, tài sản của CEO Vietjet Air giảm khoảng 879 tỷ đồng do VJC điều chỉnh mạnh.
Trong khi đó, tại Hòa Phát, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT - cũng chính là cổ đông lớn nhất, nắm 1,5 tỷ cổ phiếu HPG tương ứng 26,08% vốn điều lệ. Giá trị tài sản của "vua thép" sáng nay tụt 1.137 tỷ đồng.
Xem thêm: mth.90465433162013202-cod-oal-naohk-gnuhc-iv-neit-tam-teiv-aig-iad-taol/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad