Ngày 27-10, lãnh đạo TAND huyện Nghĩa Hành cho biết nguyên đơn và bị đơn vụ "tranh chấp về quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ" đều không có đơn kháng cáo. Như vậy, bản án vụ "Bảy con dắt nhau ra tòa tranh quyền nuôi mẹ" đã có hiệu lực pháp luật, nguyên đơn và bị đơn luân phiên trực tiếp chăm sóc trong 6 tháng.
Không được cản trở quyền và nghĩa vụ chăm sóc mẹ
Tòa nhận định "đây là tranh chấp quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ" quy định tại khoản 2, điều 70 và khoản 2, điều 71 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.
Nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận mẹ bị lẫn do tuổi già, đây là sự việc rõ ràng không cần trưng cầu giám định.
Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc bị đơn chấm dứt hành vi cản trở quyền và nghĩa vụ chăm sóc mẹ; qua lời trình bày của đương sự, các tài liệu, chứng cứ đã thu thập và được thẩm tra tại tòa, hội đồng xét xử nhận thấy trước khi người cha chết, 7 người con cùng chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Sau khi cha mất, hai bên xảy ra mâu thuẫn, nguyên đơn về thăm mẹ, bị đơn có hành vi cản trở.
Hiện người mẹ bị lẫn, có bệnh nên thuộc trường hợp ốm đau, già yếu. Tòa viện dẫn quy định tại khoản 2, điều 70 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình; tại khoản 2, điều 71 Luật Hôn nhân gia đình thì con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật. Trường hợp có nhiều con phải cùng nhau chăm sóc.
Ngoài ra, quy định tại điều 10 Luật người cao tuổi năm 2009 thì người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi là con, cháu của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng cấp dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình.
Với các căn cứ này, tòa nhận định 7 người con đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn chấm dứt hành vi cản trở nguyên đơn thăm gặp, chăm sóc nuôi dưỡng mẹ là có căn cứ. Tòa yêu cầu bị đơn chấm dứt ngay hành vi sai trái trên.
Nguyên đơn, bị đơn luân phiên chăm sóc mẹ trong 6 tháng
Đối với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu tòa buộc bị đơn giao mẹ cho nguyên đơn trực tiếp chăm sóc. Hội đồng xét xử nhận thấy quy định tại khoản 2 điều 70 và khoản 2 điều 71 luật Hôn nhân gia đình và điều 10 luật Người cao tuổi thì các con có quyền nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ ngang nhau.
Theo quy định tại điều 11 luật Hôn nhân gia đình thì con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp cha, mẹ không còn khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Người mẹ thuộc trường hợp người cao tuổi, già yếu, ôm đau, không có khả năng lao động nên các con đều phải có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng.
Ngoài ra, cả 7 người con chưa ai bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi ngược đãi mẹ. Do đó cả 7 người con đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng cho mẹ.
Trong trường hợp này, nguyên đơn và bị đơn đều muốn trực tiếp chăm sóc mẹ, do đó xảy ra tranh chấp, mẫu thuẫn ngày càng nặng. Để 7 người con đều có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ và người mẹ nhận được sự phụng dưỡng của tất cả con.
Hội đồng xét xử nhận thấy các đương sự không thỏa thuận được việc chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ, nên cần phải có sự can thiệp, phân công và xác định thời gian cụ thể để cho 7 người con có căn cứ và thuận tiện trong việc phân công người trực tiếp nuôi dưỡng mẹ, người cấp dưỡng nuôi mẹ.
Người mẹ đã già, đau ốm vì vậy cần xác định mỗi bên đương sự nuôi dưỡng mẹ trong 6 tháng. Sau đó hai bên luân phiên thay nhau nuôi dưỡng cho đến khi mẹ chết hoặc đến khi có sự thỏa thuận khác của các đương sự.
"Từ ngày 9-5 bị đơn trực tiếp nuôi mẹ, vì vậy thời gian 6 tháng tiếp theo giao cho nguyên đơn trực tiếp nuôi dưỡng (bắt đầu từ ngày 1-10) hết thời gian 6 tháng nguyên đơn nuôi dưỡng mẹ thì bị đơn tiếp tục nuôi dưỡng mẹ và ngược lại. Người trực tiếp chăm sóc, không được cản trở người không trực tiếp chăm sóc thực hiện quyền và nghĩa vụ của con đối với mẹ", bản án nêu.
Ngoài ra tòa còn nhấn mạnh "Người không trực tiếp nuôi dưỡng không được lạm dụng việc thăm nom, chăm sóc, cấp dưỡng cho mẹ để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc mẹ của người trực tiếp nuôi dưỡng".
Bảy người con chia làm hai phe, đưa nhau ra tòa giành quyền nuôi mẹ đã 86 tuổi. Những gì tệ hại nhất của đối phương được hai bên phô bày trước tòa để chứng minh sự bất hiếu, vô đạo đức không xứng đáng nuôi mẹ.