Tăng trưởng kinh tế trong nước kết thúc quý III/2023 đạt 4,24%, dù chưa đạt mức cao như kỳ vọng nhưng vẫn là kết quả đáng ghi nhận cho quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế ngay từ đầu năm.
Trong bối cảnh, có nhiều "cơn gió ngược" thử thách những con tàu kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng, khu vực dịch vụ duy trì mức tăng khá cao: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 2,4% so với tháng 8 và 7,5% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng tăng 9,7%. Khách quốc tế đạt 8,9 triệu lượt, gấp 4,6 lần cùng kỳ, vượt kế hoạch năm 2023.
9 tháng qua, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 34,3% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế Các thị trường tiêu dùng như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội tiếp tục phục hồi, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả nước.
Ở trụ cột tăng trưởng quan trọng khác là đầu tư công.
Nhận thức rõ những khó khăn thách thức rất lớn của năm nay, ngay từ đầu năm, nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện đã được Thủ tướng ban hành với tinh thần kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả để kịp thời đối mặt và chủ động vượt qua các thách thức.
Trong đó, đáng chú ý nhất là yêu cầu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu tiên của năm nay.
Cho đến thời điểm này 6 đoạn dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đó là: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Nha Trang-Cam Lâm, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây đã được đưa vào khai thác.
Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 có tổng chiều dài 654 km, với tổng mức đầu tư gần 119.000. Dự án đi qua 12 tỉnh thành, được chia thành 11 dự án thành phần. Tính đến hết năm nay, 9 dự án được đưa vào khai thác. Còn lại 2 dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo và Diễn châu – Bãi Vọt sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Các địa phương ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam đều đã được kết nối bằng các tuyến cao tốc hiện đại.
"Thực tế 9 tháng qua, Thủ tướng và Chính phủ có rất nhiều chỉ đạo cụ thể thông qua nghị quyết, chỉ thị, công điện để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó cũng có các đoàn công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ đứng đầu cũng đôn đốc trực tiếp.
Trong năm nay có 2 dự án rất được quan tâm là đường vành đai 3 ở TP Hồ Chí Minh và đường vành đai 4 ở Hà Nội.
Hai dự án này đi qua khu dân sinh nên sẽ rất phức tạp trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện quyết liệt, việc giải ngân vốn đầu tư công ở TP Hồ Chi Minh quý III đã bật tăng", ông Trần Quốc Phương- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam trong năm 2023, "các phản ứng của chúng ta nhanh hơn, quyết liệt hơn".
"Tôi lấy ví dụ, việc thiếu nguyên vật liệu cho đường cao tốc ở ĐBSCL chẳng hạn, đích thân người đứng đầu chính phủ, các phó thủ tướng, đã có những chỉ đạo vô cùng ráo riết", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết.
Ngay từ đầu năm, với tinh thần với tinh thần "Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi", "càng áp lực lại càng nỗ lực", ngay từ những tháng đầu năm và xuyên suốt cho đến nay, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "vướng mắc phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua" và kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân.
Thống kê cho thấy, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục được cải thiện trong 9 tháng trong đó quý III tăng 7,6%; quý I tăng 3,7%, quý II tăng 5,5%.
Theo ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, yếu tố vốn vẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, riêng năm nay thì càng quan trọng hơn trong bối cảnh nhiều yếu tố khác còn nhiều khó khăn, thách thức.
"Tôi hy vọng thời gian tới chúng ta phải thúc đẩy quyết liệt hơn chính là vốn đầu tư tư nhân trong nước. Hết 9 tháng, vốn đầu tư tư nhân trong nước chỉ tăng có 2,63%. Thông thường những năm vừa qua phải tăng 6, 7 hoặc 8%", ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
"Những chính sách giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp rất quan trọng. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng rất nỗ lực trong việc kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống, giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% trong 6 tháng cuối năm. Mục tiêu là thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là kích cầu tiêu dùng. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân trong nước, Chính phủ và Quốc hội đều có tổ công tác, để rà soát những vướng mắc bất cập của thủ tục hành chính", ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 6 tháng đầu năm, khi việc kiểm soát kinh tế vĩ mô diễn biến tương đối thuận lợi, Chính phủ đã tập trung cho các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
"Tất nhiên, so với mục tiêu đề ra và kỳ vọng còn rất nhiều khó khăn, thậm chí chúng ta có dự đoán năm 2024 cũng còn rất nhiều khó khăn", ông Trần Quốc Phương nói.
Đồng tình với ý kiến của ông Trần Quốc Phương, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng chỉ ra một số yếu tố "bất ngờ" với nền kinh tế như phá sản ngân hàng ở Mỹ, Thụy Sỹ khiến tín dụng toàn cầu tăng rất thấp, thị trường nội địa Trung Quốc không "bùng nổ" như kỳ vọng sau khi mở cửa; giá một số mặt hàng như năng lượng, gạo tương đối cao…
Vì thế trong bối cảnh đó, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vi mô, đảm bảo Việt Nam là điểm đến làm ăn tin cậy của các công ty nước ngoài cho thấy sự nỗ lực rất lớn, từ các chính phủ đến các địa phương trong xúc tiến đầu tư.
"Tâm thế của chúng ta là vô cùng chủ động. Có rất nhiều cuộc gặp giữa lãnh đạo Chính phủ và các doanh nghiệp. Có nhiều vấn đề không thể tháo gỡ trong ngày một ngày hai, mà phải cần thêm thời gian, nhưng với tâm thế như vậy thì mọi chuyện sẽ tốt dần lên", ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam cho hay.
Khó khăn từ các thị trường xuất khẩu chủ lực
Cách đây ít ngày, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay chỉ đạt 0,8%, giảm một nửa so với dự báo đưa ra hồi đầu năm.
Số liệu mới nhất mà Cơ quan Thống kê châu Âu công bố cho biết, chỉ số bán lẻ tại châu Âu tiếp tục giảm 0,9% trong tháng Tám so với tháng trước đó, còn nếu tính riêng các nước sử dụng đồng tiền chung Euro thì tiêu dùng sụt giảm 1,2%.
Đối với hàng hoá từ Việt Nam, nhập khẩu của thị trường châu Âu đối với hàng dệt may, giày dép, đồ thể thao và thuỷ hải sản tiếp tục suy giảm, nhưng với rau quả, gia vị, café… thì vẫn giữ được ổn định và tăng trưởng.
Không chỉ tại châu Âu, sức chi tiêu của người tiêu dùng ở Mỹ và châu Á cũng phục hồi chậm do lãi suất cao.
Theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt nam tại Liên minh châu Âu và Vương quốc Bỉ, hiện Liên minh châu Âu EU đang hướng đến tiêu dùng bền vững. Người dân châu Âu được khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm bền vững, hạn chế hàng thời trang, hàng hóa hỏng thì phải sửa chứ không bỏ đi để kích thích sản xuất
"Tiêu dùng hướng đến bền vững, giảm rác thải ở bất cứ hình thức nào đã tác động phần nào đến hành vi tiêu dùng của một số bộ phận người dân châu Âu", ông Quân cho biết.
Không chỉ tại châu Âu, sức chi tiêu của người tiêu dùng ở Mỹ và châu Á cũng phục hồi chậm do lãi suất cao.
Trong cuộc phỏng vấn với The Guardian hồi đầu tháng 10, Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá: đã có tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát nhưng "Việc này vẫn chưa xong và nó đặt ra câu hỏi về khả năng lãi suất cao vẫn duy trì, chắc chắn là đến năm 2024 và có thể sang 2025".
Ứng phó với áp lực tỷ giá
Trước áp lực tăng giá của đồng USD, tỷ giá chính thức tại các ngân hàng trong nước đã vượt qua 24.000 đồng/ USD và đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay với mức tăng khoảng 2,6% so với đầu năm do chịu sức ép từ việc chỉ số giá USD tăng liên tục trong 3 tháng gần đây trên toàn cầu. Điều này cũng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Theo ghi nhận, với các doanh nghiệp vận tải quốc tế, biên lợi nhuận năm nay giảm chỉ còn 5-6% thay vì mức 8-10% như mọi năm.
Trong khi đó, tất cả chi phí thanh toán đều tính toán theo USD. Tỷ giá cứ biến động 1% thì chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra cũng tăng tương ứng. Đồng nghĩa lợi nhuận vốn đã thấp, nay lại càng thấp hơn.
Ông Đặng Văn Hùng, Chủ tịch Công ty CP Giao nhận vận tải DH cho biết: "Chúng tôi không còn cách nào khác là phải giảm biên độ lợi nhuận, thậm chí có trường hợp là chịu lỗ vì không thể thay đổi giá với khách hàng được. Hợp đồng ký thời điểm nào thì tính thời điểm đó. Chúng tôi cũng nhờ ngân hàng để có thể mua trước nguồn ngoại tệ rẻ nhưng cũng chỉ giảm áp lực được phần nào".
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã khởi động trở lại kênh phát hành tín phiếu trên thị trường mở, với tổng khối lượng đã hút ròng gần 94.000 tỷ đồng. Việc này được cho là sẽ thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ, đồng thời góp phần trung hoà áp lực tỷ giá.
Trên thị trường quốc tế, giá USD đang ở mức cao nhất trong vòng nửa năm qua. Trong cuộc họp mới đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED tiếp tục giữ lãi suất ổn định nhưng củng cố lập trường rằng: sẽ giữ mặt bằng lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Song, các chuyên gia cho rằng: mức độ tăng của tỷ giá sẽ không còn mạnh như cuối năm ngoái bởi hiện nay FED đã đi đến chặng cuối của chu kỳ tăng lãi suất.
Đầu tháng 10/2023, trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023.
- Kịch bản 1: tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, quý 4 cần tăng 7%.
- Kịch bản 2: tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý 4 cần tăng 8,8%.
- Kịch bản 3: tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý 4 cần tăng 10,6%.
Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, đặt các cấp các ngành vào sự tập trung ớ mức cao nhất để phát huy tối đa các động lực tăng trưởng.
Ví dụ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dung. Kết quả 9 tháng đạt gần 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ, cho thấy nếu được duy trì và phát huy tốt thì mục tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm… từ 8-9% là hoàn toàn khả thi.
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa
Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng qua đã tăng trưởng 9,7%, thấp hơn mức tăng trưởng 11% của giai đoạn trước dịch COVID19, nhưng cũng được coi là kết quả ấn tượng trong bối cảnh khu vực sản xuất tăng trưởng thấp và xuất nhập khẩu hàng hoá tăng trưởng âm. Nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng, nhiều địa phương đã vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Trong năm 2023 chỉ tiêu đặt ra đối với thành phố Hà Nội về tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là tăng trưởng từ 10 đến 11%.
Để đạt mức tăng trưởng này thì Hà Nội đã tích cực tổ chức các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tổ chức chương trình khuyến mại tập trung để tăng tổng mức và kiềm chế được lạm phát.
Năm 2023, với tín hiệu khả quan, các nhà bán lẻ kì vọng tốc độ tăng tổng mức bán lẻ năm nay có thể vượt qua mốc đã đề ra từ đầu năm là 9%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: Phải tiếp tục ổn định nguồn cung và giá cả của các nhóm hàng hoá phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân, kết hợp với việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa từ các địa phương, đặc biệt là các chương trình kích cầu tiêu dùng trên nền tảng số.
Bên cạnh đó là cần triển khai quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa việc miễn, giãn, giảm các loại thuế, phí vì giải pháp này giúp cho cả người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi, từ đó kích thích sự tăng trưởng.
Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần kế hoạch năm. Năm 2023, với tín hiệu khả quan, các nhà bán lẻ kì vọng tốc độ tăng tổng mức bán lẻ năm nay có thể vượt qua mốc đã đề ra từ đầu năm là 9%.
Các doanh nghiệp nỗ lực xuất khẩu cuối năm
Trong nhận định gần nhất, Ngân hàng HSBC dự báo: GDP Việt Nam năm nay dự báo tăng 5% và tăng 6,3% vào năm sau. Xuất khẩu hồi phục và chi tiêu nội địa sẽ là hai động lực chính cho tăng trưởng.
Việc tận dụng các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại và tìm kiếm đơn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường mới, đang là giải pháp ưu tiên của nhiều doanh nghiệp.
Thông tin thị trường của Bộ Công Thương 9 tháng qua cho thấy, trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống như châu Âu và Mỹ…đều sụt giảm trên 20%, việc tìm kiếm các đơn hàng từ các thị trường mới, thị trường ngách đã giúp nhiều doanh nghiệp duy trì được sản xuất.
Những nỗ lực mở rộng thị trường của ngành Da giày thời gian qua là ví dụ điển hình, bởi đây chính là giải pháp quan trọng để hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm nay là 25 tỷ USD.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam cho biết: "Kết quả 9 tháng đầu năm của ngành Da giày, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 16 tỷ USD, bị giảm mất 20%. Để bù cho sự sụt giảm đó, các doanh nghiệp đã tiếp tục mở rộng, tìm kiếm thêm các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường mà chúng ta có các FTA đã ký kết".
"Việc mở rộng và đa dạng hoá thị trường luôn luôn là chủ trương mà Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đa dạng hoá các đối tác; cần tìm hiểu, đáp ứng yêu cầu về chuỗi cung ứng xanh. Qua đó chúng ta mới có được lợi thế so với các nước xuất khẩu khác, để tiếp tục duy trì và giành được những đơn hàng mới", ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến nghị.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên cán mốc trên 730 tỷ USD. Năm nay mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể thấy với những nỗ lực mà các doanh nghiệp đang triển khai, kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng 6% mà ngành Công thương đặt ra là có khả thi.
Tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, trong đó một lần nữa Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: Thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia.
Theo ghi nhận tại nhiều công trình trọng điểm, nhiều đơn vị đã bứt phá rõ nét trong giải ngân đầu tư công, nhiều địa phương, 9 tháng, giải ngân đầu tư công chạm ngưỡng 70%.
Các chuyên gia nhận định, đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023
"Đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư công luôn được đẩy nhanh hơn trong những tháng cuối năm. Tín hiệu tích cực là trong những tháng gần đây, hoạt động giải ngân tăng đáng kể. Trong 8 tháng đầu năm, gần 50% kế hoạch giải ngân đầu tư công của cả năm đã được thực hiện", ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho biết.
Theo Ngân hàng Thế giới, dư địa tài khóa còn dồi dào. Do vậy chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo, đảm bảo ngân sách đầu tư năm nay được triển khai tốt hơn.
"Cần phải lựa chọn, xác định các dự án ưu tiên, hoặc điều chuyển vốn sang các dự án hiệu quả, các chương trình đầu tư quan trọng của quốc gia như đường cao tốc, truyền tải điện và các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó tránh dàn trải, đơn giản hóa thủ tục hành chính hay giảm bớt những rào cản làm hạn chế hoạt động sản xuất, đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân", bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định.
Tổng cục Thống kê cho biết, khi cơ sở hạ tầng thuận lợi sẽ kích thích các doanh nghiệp triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh theo đúng kế hoạch đề ra.
Các chuyên gia đánh giá, với độ hội nhập cao của nền kinh tế trong nước, diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới, đầu tư công vẫn đóng vai trò gánh vác và bù đắp cho tăng trưởng kinh tế. Vì thế tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công càng cao thì càng góp phần tạo cơ hội động lực mới gắn với mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế.
Tại Hội nghị Trung ương 8 khoá 13 mới đây, Đảng ta tiếp tục dự báo, thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh thuận lợi còn có cả không ít những thách thức, để hoàn thành các mục tiêu đề ra cho cả nhiệm kỳ đòi hỏi phải nỗ lực và hành động phải quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024 - năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng ta cần tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, chính sách và mục tiêu, Băng nhiệm vụ đã được Trung ương thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất đề ra trong Kết luận của Hội nghị lần này.”
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.33503820152013202-et-hnik-neirt-tahp-cul-on-gnourt-gnat-cul-gnod-yad-cuht/et-hnik/nv.vtv