TSMC là 1 trong 10 công ty đắt giá nhất thế giới. Ảnh: AFP
Nhà sáng lập TSMC đưa ra nhận định trên tại một sự kiện do tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu Asia Society tổ chức ở New York vào ngày 26/10.
Đầu tháng này, các quan chức Mỹ đã ban hành một loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu khác nhằm kiểm soát những loại chip và thiết bị sản xuất chip có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc, sau khi Huawei Technologies vào tháng trước đã ra mắt một dòng điện thoại sử dụng chip mới được sản xuất nội địa.
Ông Chang cho rằng việc chia tách ngành công nghiệp chip của Trung Quốc với thế giới sẽ ảnh hưởng đến những "tay chơi" khác bên ngoài Trung Quốc.
"Tôi nghĩ rằng việc chia tách đó rốt cuộc sẽ làm chậm lại tất cả các bên. Tất nhiên, mục đích trước mắt là kìm hãm Trung Quốc và tôi nghĩ họ đang làm như vậy", ông Chang nhận xét.
Nhà sáng lập TSMC cũng cho rằng tác động của việc tách rời như vậy đã trở nên rõ ràng và nhiều xung đột kinh tế trước đây giữa các cường quốc lâu đời và mới nổi đã kết thúc bằng chiến tranh.
Ông Chang, người mô tả căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc như một cường quốc lâu đời đang đối đầu với một cường quốc mới nổi, cho biết: "Hy vọng duy nhất của chúng tôi là nó (căng thẳng - BTV) không dẫn đến điều gì nghiêm trọng hơn".
Tuy nhiên, nhà sáng lập TMSC bày tỏ lạc quan về nước Mỹ - nơi hãng này đang đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất chip ở bang Arizona. "Tôi thực sự nghĩ rằng đất nước này, đất nước của tôi, Mỹ, vẫn là niềm hy vọng của thế giới, bất chấp tất cả những vấn đề chúng tôi đang gặp phải", ông Chang nhấn mạnh.
Sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, ông Chang lập nghiệp ở Mỹ và nhập tịch vào năm 1962, trước khi được tuyển vào xây dựng ngành công nghiệp chip Đài Loan.
Ông Chang thành lập TSMC vào cuối những năm 1980 và hãng chip này đã đưa Đài Loan trở thành nhà sản xuất chip tiên tiến hàng đầu thế giới. Hiện nhà sáng lập TSMC được coi là nhân vật huyền thoại trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.