Hội thảo khoa học cấp bộ được tổ chức nhân 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê (29-10), nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội từ khóa VII - X, quê ở làng Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong.
Ban tổ chức hội thảo nhận được 90 tham luận đề cập khá toàn diện từ truyền thống gia đình, quê hương, quá trình hoạt động cách mạng, phẩm chất, tài năng và những đóng góp nổi bật của Đại tướng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - nói: "Quá trình phấn đấu, rèn luyện đã đưa người thanh niên yêu nước Đoàn Khuê trở thành người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo, chỉ huy quân sự xuất sắc, nhà chính trị tài ba của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam".
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - viện trưởng Viện lịch sử quân sự - tóm tắt các tham luận khẳng định Đại tướng Đoàn Khuê là người cộng sản kiên trung, mẫu mực, suốt đời cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng; làm sáng tỏ thêm quá trình hoạt động và những đóng góp to lớn của đại tướng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Trong 20 năm trên chiến trường Quân khu 4, Quân khu 5, ông vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự vào thực tiễn chiến trường, đóng góp quan trọng xây dựng lực lượng và thế trận phòng thủ. Quân khu 5 "đi đầu diệt Mỹ" với những chiến công Núi Thành, Vạn Tường, Pleime…
Khi Pol Pot tiến công xâm lấn biên giới Tây Nam, ông cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang phòng ngự vững chắc, tăng cường bảo vệ biên giới, đánh bại các cuộc tiến công xâm lược của địch.
Những năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, Đại tướng Đoàn Khuê đã chỉ đạo quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam khắc phục mọi khó khăn, giúp cách mạng Campuchia củng cố chính quyền, vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia.
Những năm đất nước đổi mới, trên cương vị thứ trưởng rồi bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông thực hiện thành công cuộc điều chỉnh biên chế của quân đội theo hướng tinh gọn, từng bước hiện đại, cắt giảm khoảng 60% quân số thường trực.
Quan điểm xuyên suốt của Đại tướng Đoàn Khuê là điều chỉnh chiến lược, giảm quân số thường trực "nhất thiết không được phép làm cho quân đội ta yếu đi, không được phép coi thường nguy cơ chiến tranh, nguy cơ "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ.
Hội thảo khẳng định những cống hiến to lớn của Đại tướng Đoàn Khuê trong tham mưu và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc những năm đầu đất nước đổi mới. Các đại biểu cũng nhấn mạnh Đại tướng Đoàn Khuê là niềm tự hào, động lực cho quân và dân Quảng Trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Dịp này, huyện Triệu Phong khánh thành khu lưu niệm Đại tướng Đoàn Khuê trên khuôn viên 7.500m2 ở xã Triệu Lăng, tổng mức đầu tư 9 tỉ đồng. Nhà lưu niệm lưu giữ những kỷ vật, ảnh tư liệu về cuộc đời, gia thế và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng với 2 chủ đề: Quê hương nghĩa nặng tình sâu và Đại tướng Đoàn Khuê - Một nhà chính trị, quân sự xuất sắc.
Trở lại Việt Nam sau 54 năm 9 tháng, cựu phi công quân sự Mỹ James Orvil Conner mang trong mình những cảm xúc lẫn lộn. Khi biết Quảng Trị sẽ lần đầu tiên tổ chức “Lễ hội vì Hòa bình”, James thốt lên: “Thật tuyệt vời”.