"Tôi nghĩ Hội An nên mời người quan tâm tu bổ Chùa Cầu ở cả nước về trực tiếp xem, quảng bá cách làm độc đáo", giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nói.
Vừa bán vé vừa thi công tu bổ Chùa Cầu
Cách đây gần một năm, khi dự án trùng tu Chùa Cầu - di tích hơn 400 năm tuổi ở Hội An - được bắt đầu thì trên mạng và các diễn đàn du lịch, hình ảnh Chùa Cầu được "bít bùng" bốn hướng bằng một mái nhà tôn gây tò mò cho du khách.
Nhưng không ít người cũng bất ngờ khi đi vào hai đầu cầu di tích thì hướng dẫn viên dẫn lên lối đi song song với cầu cũ để ngắm toàn bộ hình hài Chùa Cầu đang được "mổ xẻ".
Lần đầu tiên một di tích tầm cỡ thế giới, trong quần thể di sản của đô thị cổ Hội An, được tháo rã từng chi tiết, từng bộ phận để trải qua đợt đại phẫu căn bản nhất kể từ năm 1986.
Bình thường Chùa Cầu là di tích đóng góp nguồn thu từ bán vé rất lớn.
Tuy nhiên điều rất đặc biệt là ngay cả khi di tích đã được tháo dỡ hoàn toàn, quá trình biến đổi thay áo này đều được coi là hoạt động du lịch.
Hằng ngày khách vẫn tản bộ qua cầu nhìn ngắm quá trình kỳ thú này. Và đương nhiên, vé vẫn bán ra.
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã bày tỏ sự ngạc nhiên và cho rằng không có nơi nào làm như Hội An. Theo ông, cái hay nằm ở chỗ di tích hạ giải phục vụ tu bổ, tất cả ngổn ngang như công trường mà vẫn bán được vé để du khách trải nghiệm.
Ông Kính lấy câu chuyện trùng tu di tích ở Huế và nói rằng cách làm của Hội An nên được quảng bá rộng rãi, Hội An nên gửi thư mời các nơi về để chiêm ngưỡng, học hỏi.
Không thể xác định 'phiên bản gốc' Chùa Cầu
Ông Phạm Phú Ngọc - giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An - nói rằng trùng tu Chùa Cầu là dự án cực kỳ nhạy cảm. Từ trước tới nay, mỗi lần đặt vấn đề trùng tu thì lại nảy sinh những cuộc tranh luận và phản biện.
Nhưng rất mừng là lần này Hội An lại nhận được sự đồng thuận rất cao. Quá trình làm luôn có sự đóng góp, tham khảo kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia Nhật Bản, các nhà khoa học trong nước và đặc biệt là cư dân chủ thể di sản Hội An.
Ông Ngọc cũng nói đã yêu cầu dựng nhà bao che toàn bộ di tích. Đi liền đó là thiết kế hành lang bộ xuyên qua Chùa Cầu để khách tham quan. Các khu vực thờ cúng được giữ lại để mọi người ghé thắp nhang.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, quan điểm chung khi tu bổ là không đưa Chùa Cầu trở về một niên đại cụ thể.
Bởi nếu đưa màu vôi về một thời kỳ nào đó thì các thành phần kiến trúc khác sẽ không đảm bảo cơ sở dữ liệu, không đảm bảo cơ sở khoa học. Cho tới nay cũng chưa có một hình ảnh nào thể hiện rõ "phiên bản gốc" của di tích tầm cỡ này.
Ngoài việc góp ý về kết cấu, hình dáng… các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản bày tỏ mối quan tâm đặc biệt tới diện mạo bên ngoài của Chùa Cầu sau khi trùng tu xong.
Nguyên bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự nói rằng không ai biết được màu sắc nguyên thủy của Chùa Cầu là gì. Cần tôn trọng tông màu đỏ của gỗ, tường vôi như diện mạo vốn quen mắt của Chùa Cầu lâu nay.
Đồng quan điểm này, bà Nara Hiromi - chuyên gia cao cấp Vụ Giáo dục phủ Kyoto - cũng cho rằng nên giữ màu vôi đỏ như lâu nay.
Các con giống đắp bằng vôi vữa cũng cần bảo quản cẩn thận và gắn lại để tôn trọng tính nguyên bản.
Theo giáo sư Shinozaki Masahiko - chuyên gia cao cấp Đại học Tokyo Nhật Bản - hồ sơ khoa học của dự án phải được làm kỹ lưỡng để thế hệ sau tham khảo, đối chiếu.
Dự án trùng tu Chùa Cầu được tỉnh Quảng Nam đầu tư hơn 20,2 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Từ trước tới nay di tích cổ này trải qua các đợt tu bổ vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.
Sau gần một năm 'bít thùng' để trùng tu, sáng 24-10 Hội An mở rào chắn đón chuyên gia vào thị sát thực tế hiện trạng chùa Cầu - cây cầu tuổi đời hơn 400 năm.