Thoát nạn trong đêm
Đến chiều 27-10, các hộ dân sống dưới chân núi Rồng, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An bị ảnh hưởng từ vụ sạt lở núi vẫn đang qua nhà người thân tá túc tạm thời để đảm bảo an toàn.
Hiện trường vụ sạt lở núi làm hư hỏng nhà, công trình phụ các hộ dân được chính quyền địa phương căng biển cảnh báo nguy hiểm, cấm người qua lại.
Có khoảng 500m2 bờ kè bị đổ. Ba căn nhà của các hộ dân bị ảnh hưởng nặng, nhiều tài sản, gia cầm bị vùi lấp. Ngoài ra còn có 6 hộ dân trong diện nguy cơ buộc phải di dời.
Bên căn nhà mới hoàn thiện ngổn ngang đất đá sau vụ sạt lở, bà Phạm Thị Thơ - ngụ xóm Rồng, xã Nghi Thiết - nhớ lại sau một đêm mưa lớn không dứt đến rạng sáng 26-10, cả gia đình bà đang ngủ thì nghe thấy tiếng lá cây xào xạc và đất đá đổ ầm ầm phía sau nhà.
Chồng bà Thơ vội vã gọi vợ con dậy, chạy thoát hướng ra ngoài cửa chính.
"Khi cả nhà tôi vừa ra đến sân thì một khối lượng lớn đất, đá từ trên núi tràn xuống làm sập hoàn toàn gian bếp và một phần phòng ngủ. Cũng may lúc đó chúng tôi phát hiện kịp thời nên kịp chạy thoát thân", bà Thơ kể.
Sau một ngày, hiện trường vẫn chưa thể thu dọn được do máy móc không thể tiếp cận.
Cách nhà bà Thơ không xa, căn nhà của gia đình ông Trần Trung Hữu vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đất đá từ vụ sạt lở đổ ập khu vực phía sau nhà.
"Mưa nhiều ngày qua nên đất ngấm no nước, có thể sạt lở tiếp bất cứ lúc nào. Chúng tôi rất lo lắng không biết có thể ở đây nữa hay không", ông Hữu nói.
Ưu tiên đảm bảo an toàn cho dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Văn Thành - chủ tịch UBND xã Nghi Thiết - cho hay vụ sạt lở khiến 3 ngôi nhà bị hư hỏng, 6 ngôi nhà khác bị ảnh hưởng, hư hỏng công trình phụ.
May mắn không có thương vong sau vụ việc, song chính quyền xã đang tiếp tục theo dõi để đưa ra phương án đảm bảo an toàn cho người dân.
"Khu vực này từng có hiện tượng sạt lở. Cách đây hơn một năm, các hộ dân tại khu vực này đã tiến hành kè đá để ngăn chặn nhưng vụ sạt lở mới này đã làm toàn bộ kè bị phá nát", ông Thành nói.
Theo ông Thành, nguyên nhân ban đầu được xác định do mưa nhiều ngày làm nhão đất và trước đó các hộ dân đào núi để làm nhà dẫn đến làm thay đổi địa chất.
Kiểm tra hiện trường, ông Dương Đình Chỉnh - bí thư Huyện ủy Nghi Lộc - đã chỉ đạo UBND xã Nghi Thiết khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục sự cố sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho các hộ dân.
Các hộ dân được đề nghị phải di dời đến các điểm an toàn trong những ngày tới, bởi dự kiến sẽ tiếp tục có mưa. Đến khi thời tiết nắng ráo trở lại, máy móc có thể san gạt điểm sạt lở đảm bảo an toàn mới trở về nhà.
Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, Nghệ An hiện có 274 điểm có nguy cơ sạt lở núi, làm ảnh hưởng gần 3.000 hộ dân. Các điểm sạt lở núi chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp…
Hầu hết các điểm sạt lở, sụt lún đều nằm ở khu vực vùng núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Trong khi đó, nguồn kinh phí khắc phục hậu quả bão lụt hằng năm không nhiều nên hầu hết các hộ dân tự huy động nguồn lực để xử lý tạm thời khắc phục sạt lở như thuê máy bạt mái ta luy, hoặc xây dựng các bờ kè đá nhỏ.
Núi Cà Mon ở Quảng Ngãi nứt toác, qua mỗi mùa mưa, vết nứt dài, rộng và sâu hơn khiến người dân sống dưới chân núi thấp thỏm lo sạt lở.