vĐồng tin tức tài chính 365

Lý và tình trong vụ siêu thị ngăn khách mua hàng để bán lại

2023-10-28 03:35

Trader Joe's là chuỗi tạp hóa lớn nhất nước Mỹ, sở hữu 560 cửa hàng trên khắp đất nước với doanh thu khoảng 17 tỷ USD mỗi năm. Đi Trader Joe's trở thành niềm đam mê và thú giải khuây của nhiều người Mỹ, một phần bởi những "văn hóa" đặc trưng, như chuyên cung cấp hàng hóa chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ và không biến đổi gen; chính sách "mua gì cũng được dùng thử trước"...

Những điều này khiến họ có một lượng khách hàng trung thành cực lớn, sẵn sàng xếp hàng, ngay cả trong nhiệt độ đóng băng, để được vào siêu thị. Nhưng có một số hạn chế là không bán hàng online và không bán sỉ. Trader Joe's cũng chỉ có cửa hàng nội địa, điều khiến những khách hàng Canada khá buồn, vì nhu cầu dùng đồ hữu cơ của họ khá lớn.

Trader Joes in Chattanooga, Tennessee. Ảnh: Trader Joes

Siêu thị Trader Joe's in Chattanooga, Tennessee. Ảnh: Trader Joe's

Michael Hallatt người gốc British Columbia cũng là một người tiêu dùng hâm mộ đế chế bán lẻ này. Sau vài lần về quê vợ ở Vancouver (Canada), anh nhanh chóng nhận ra được "cơn khát" hàng Trader Joe's của người dân ở đây. Một ý định lóe lên trong đầu Michael Hallatt.

Tháng 1/2012, vợ chồng họ quyết định mở một cửa hàng tạp hóa tại Vancouver, chuyên bán lại đồ của hệ thống siêu thị đình đám nước Mỹ. Hallatt thường chi từ 4.000 đến 5.000 USD tiền mặt hằng tuần để đi mua đồ trong Trader Joe's, lấp đầy kệ tạp hóa của mình với khoảng 1.000 danh mục sản phẩm, chủ yếu là đồ đóng gói, không bán thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh.

Tiệm tạp hóa "Pirate Joe's" của anh được người dân Vancouver vô cùng yêu thích, nhiều người đôi khi đến cửa hàng đôi khi chỉ để bắt tay và cảm ơn Hallatt đã đưa Trader Joe's đến với họ.

Giá sản phẩm thường đắt hơn giá gốc vài USD, nhưng không ai cảm thấy phiền lòng, vì họ biết Hallatt đã phải chi trả nhiều cho chi phí xăng, hàng hóa, thuế, tiền thuê cửa hàng, tiền lương cho nhân viên.

Nhờ tiệm tạp hóa của Hallat, một người phụ nữ đã mua được món súp mà cô ấy mới chỉ được xem trên tivi mà chưa bao giờ thử. Một cụ già thậm chí đã để lại số điện thoại của mình để cửa hàng có thể gọi cho ông khi hộp bánh quy Đan Mạch yêu thích đã có hàng. Chính Hallatt cũng thừa nhận, không lãi bao nhiêu, nhưng anh thích cảm giác được mang niềm vui đến cho mọi người.

Giá gốc một số sản phẩm (trái) và giá tại tiệm tạp hóa của Michael Hallatt

Giá gốc một số sản phẩm (trái) và giá tại tiệm tạp hóa của Michael Hallatt

Nhưng "trò chơi chợ đen" của Hallatt cũng đầy thách thức. Sô cô la anh mua tại Trader Joe's đã tan chảy vì vận chuyển dưới trời nắng nóng. Món gà khô, đồ ăn cho chó, mèo bị tịch thu ở biên giới vì cần phải có giấy phép đặc biệt. Và chiếc xe tải màu trắng không nhãn hiệu của anh ta, chứa hơn 100 túi hàng tạp hóa, thường gây ra sự nghi ngờ.

Một lần, để tránh bị nhận ra, anh quyết định mặc đồ nữ giới. Anh mặc một chiếc váy da báo, đeo khuyên tai và đi dép xỏ ngón có hoa trong bãi đậu xe thì có ai đó gọi cảnh sát vì tưởng rằng anh ta sẽ cướp hiệu thuốc. Hallatt nhớ lại: "Sơn móng tay của tôi thậm chí còn chưa khô khi ba cảnh sát xuất hiện".

Sự thịnh vượng của cửa hàng tạp hóa Pirate Joe's nhanh chóng đến tai những chủ nhân của Trader Joe's. Họ ban đầu cảm thấy khó chịu, và cấm cửa Hallatt ở tất cả các đại lý toàn quốc, khiến việc "gom hàng" trở nên khó khăn hơn. Nhưng tiệm tạp hóa tiếp tục tồn tại, trở thành cái gai trong mắt Trader Joe's.

Tháng 5/2013, họ quyết định gửi đơn kiện Michael Hallatt vì cáo buộc vi phạm nhãn hiệu liên bang; cạnh tranh không lành mạnh, chứng thực sai và chỉ dẫn xuất xứ sai; Quảng cáo sai; tổn hại đến kinh doanh và danh tiếng; và các hành vi kinh doanh lừa đảo....

Tính đến thời điểm bị kiện, Hallatt đã chi khoảng 350.000 USD để mua hàng tại siêu thị này trong 14 tháng, tức trung bình 25.000 USD/tháng. Hallatt phản ứng trước tin bị kiện: "Tôi là khách sộp của họ nhưng họ lại chẳng muốn tiếp đãi". Theo Hallat, điều này chứng tỏ Trader Joe's có lượng khách hàng đáng kể ở phía bắc (tức Canada), và việc họ cần làm, đáng lẽ là mở rộng thị trường, chứ không phải là tốn tiền và thời gian để kiện một khách hàng muốn lan tỏa những sản phẩm tốt đẹp của họ đến người dân nước láng giềng.

Michael Hallatt trong quán tạp hóa bán toàn đồ của Tradaer Joes. Ảnh: Guardian

Michael Hallatt trong quán tạp hóa bán toàn đồ của Tradaer Joe's. Ảnh: Guardian

Trong phiên tòa tháng 10 cùng năm tại Seatle, Hallatt cho rằng không vi phạm luật pháp Mỹ hoặc Canada khi nhập khẩu sản phẩm của Trader Joe's để bán tại tiệm tạp hóa của mình.

Hallatt nói Trader Joe's không chứng minh được tại sao vụ kiện của họ được đưa ra xét xử tại Mỹ chứ không phải Canada, và yêu cầu bác bỏ vụ kiện.

Chủ tọa phán quyết rằng vì Trader Joe's không kinh doanh ở Canada và Pirate Joe's không kinh doanh ở Mỹ nên tòa án liên bang không thể xét xử tranh chấp xuyên quốc gia như trong vụ án này.

"Tất cả cáo buộc vi phạm đều diễn ra ở Canada và Trader Joe's không thể cho thấy thiệt hại về mặt kinh tế. Ngay cả khi người tiêu dùng Canada "bị lừa" và tin rằng họ đang mua sắm tại Trader Joe's, thì Trader Joe's cũng không bị thiệt hại về mặt kinh tế vì sản phẩm được ông Hallatt mua tại Trader Joe's với đúng giá bán lẻ", phán quyết nêu.

Sau phiên tòa có lợi cho mình, Hallatt đổi tên tiệm để tránh thị phi, và tiếp tục được khách hàng ủng hộ việc buôn bán.

Giờ đây, anh trả tiền cho một "đội quân đi chợ thuê để mua hàng tạp hóa tại Trader Joe's vì bản thân Hallatt đã bị "cấm cửa". Những người đi chợ thuê này cho biết nhiều nhân viên cửa hàng đã quen thuộc với Pirate Joe's và sẽ "nhắm mắt làm ngơ" trước núi sản phẩm họ mua mỗi lần vào siêu thị. Để qua biên giới, nhưng người đi chợ thuê chuẩn bị sẵn các lý do như, sắp làm tiệc ngoại khóa cho trường học, tiệc từ thiện củ nhà thờ... Đôi khi họ mang theo con cái để gia tăng sức thuyết phục.

Ba năm sau, Trader Joe's trở lại "cuộc đua pháp lý" khi cuối cùng cũng được cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, đảo ngược quyết định của cấp sơ thẩm.

Tòa cho rằng, dù hành vi diễn ra ở Canada, nhưng việc Hallatt mua hàng ở Mỹ, và đặt tên cửa hàng tạp hóa (Pirate Joe's) tương tự nguyên đơn (Trader Joe's) đã đủ cơ sở để áp dụng Đạo luật Laham (đạo luật quản lý nhãn hiệu) của Mỹ, do đó có thể được tòa án Mỹ xét xử tại Mỹ.

Điều 15 của Đạo luật này có nội dung, "người nào kinh doanh sản xuất hàng hóa, dịch vụ mà sử dụng từ, thuật ngữ, tên, biểu tượng, chỉ định sai lệch về xuất xứ, mô tả sai hoặc gây nhầm lẫn với hàng hóa, dịch vụ của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý trong một vụ kiện dân sự bởi bên bị thiệt hại bởi hành vi đó".

Đạo luật có tác động ngoài lãnh thổ, nếu như đáp ứng ít nhất 2 trong 3 tiêu chí: hành vi của bị đơn ảnh hưởng đáng kể đến thương mại Mỹ; bị đơn là công dân Mỹ, và vụ kiện không xung đột với pháp luật nước ngoài.

Tiệm tạp hóa Pỉate Joes của Michael Hallatt tại Vancouver. Ảnh: Daily Mail

Tiệm tạp hóa Pirate Joe's của Michael Hallatt tại Vancouver. Ảnh: Daily Mail

Tòa án kết luận rằng hành vi của Hallatt đã ảnh hưởng đến thương mại Mỹ vì 4 lý do.

Thứ nhất, các hoạt động của Hallatt làm tổn hại đến danh tiếng của Trader Joe's và làm giảm giá trị các nhãn hiệu do Mỹ nắm giữ. Thứ hai, Hallatt vận chuyển và bán hàng hóa của Trader Joe's ở Canada mà không sử dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng phù hợp hoặc thực hiện chính sách thu hồi sản phẩm như nhà cung cấp gốc.

Thứ ba, Hallatt đã cố gắng coi tiệm tạp hóa Pirate Joe's của mình là một nhà bán lẻ được ủy quyền của Trader Joe đã gây nhầm lẫn cho khách hàng, làm tổn hại đến danh tiếng trong nước của Trader Joe's và làm giảm giá trị nhãn hiệu do người Mỹ nắm giữ. Cuối cùng, theo tòa, Hallatt đã mua hàng hóa của Trader Joe tại Mỹ và thường thuê cư dân địa phương của Mỹ để hỗ trợ anh ta, từ đó lôi kéo trong hoạt động thương mại trong nước và thương mại như một phần của "âm mưu xâm phạm" của mình.

Với các lập luận này, tòa phúc thẩm cho rằng vụ án có thể được xét xử tại Mỹ, trả hồ sơ yêu cầu cấp sơ thẩm xét xử lại. Vụ kiện gây tiếng vang không chỉ phạm vi Canada hay Mỹ mà cả châu Âu. Phần lớn độc giả cho rằng Trader Joe's đáng lẽ nên nồng nhiệt chào đón Hallatt làm nhà phân phối ở Vancouver, thay vì chấp nhặt khách ruột của mình như thế.

Còn Hallatt cho hay, luôn coi tiệm tạp hóa là niềm vui mình mang đến cho người dân và không có lãi nhiều, do đó không có tiền để đeo đuổi vụ kiện chống lại ông lớn Trader Joe's. Tháng 6/2017, Hallatt chính thức đăng tin lên fan page cho biết, rất buồn, phải chính thức đóng cửa tiệm tạp hóa Pirate Joe's.

"Ít nhất chúng ta cũng có được chút niềm vui với nhau trong vài năm, đúng không nhỉ?", lời chia tay của Hallatt khiến nhiều khách hàng của tiệm tạp hóa vô cùng hụt hẫng. Đến nay, dù tiềm năng ngoài lãnh thổ lớn, Trader Joe's vẫn chỉ duy trì chuỗi cửa hàng trong nước.

Hải Thư (Theo Guardian, Justia, Havard Law review)

Xem thêm: lmth.7559664-ial-nab-ed-gnah-aum-hcahk-nagn-iht-ueis-uv-gnort-hnit-av-yl/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lý và tình trong vụ siêu thị ngăn khách mua hàng để bán lại”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools