Ông Trần Đình Long - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) và bà Vũ Thị Hiền (vợ) dự định bán thỏa thuận gần 43 triệu cổ phiếu HPG cho con trai Trần Vũ Minh, bắt đầu từ ngày 1-11 tới đây cho đến cuối tháng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG khép phiên giao dịch hôm nay với sắc xanh, neo ở mốc 23.350 đồng. Tạm lấy thị giá này, ước tính số cổ phiếu do ông Long và vợ sắp chuyển cho con trai có giá trị hơn 1.000 tỉ đồng.
Khi thương vụ trên hoàn tất, tỉ lệ sở hữu của ông Long tại Hòa Phát bị giảm xuống còn 25,8%, tương đương 1,5 tỉ cổ phiếu, bà Vũ Thị Hiền nắm giữ 400 triệu cổ phiếu (xấp xỉ 6,9%).
Riêng người con trai Trần Vũ Minh tăng tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp do cha làm chủ tịch lên 134 triệu cổ phiếu (2,3%). Ông Minh đang giữ vị trí giám đốc của Công ty TNHH thương mại và đầu tư Đại Phong - tổ chức sở hữu 91,1 triệu cổ phiếu Hòa Phát (hơn 1,6%).
Được biết hiện nhiều cá nhân khác trong gia đình ông Trần Đình Long cũng giữ số lượng lớn cổ phiếu của Hòa Phát. Cụ thể, hai anh trai, chị gái, em gái, chị dâu và em rể của "vua thép" cũng sở hữu tổng cộng hơn 2,8 triệu cổ phiếu (hơn 0,06%).
Dù có sự chuyền tay, nhưng tổng quát thì gia đình ông Long vẫn giữ nguyên tỉ lệ sở hữu trên 35%.
Có thể hiểu, nếu đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát muốn thông qua các vấn đề như thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty, dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản công ty... đều phải có sự nhất trí của ông Trần Đình Long và người nhà.
Ngành thép hồi phục từ cuối năm 2023?
Tập đoàn Hòa Phát cũng vừa công bố doanh thu hơn 28.700 tỉ đồng trong quý 3-2023, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ hết giá vốn và các chi phí khác, doanh nghiệp vẫn còn giữ lại khoản lãi ròng sau thuế 2.000 tỉ đồng, chuyển biến tích cực so với khoảng lỗ hơn 1.700 tỉ đồng ở cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung ba quý đầu năm nay, Hòa Phát mang về hơn 85.400 tỉ đồng doanh thu và hơn 3.800 tỉ đồng lãi sau thuế, giảm 27% và 67% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 48% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Trong khi đó, lũy kế ba quý vừa qua, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khác trong ngành thép cũng lao dốc mạnh. Điển hình như doanh thu của Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã chứng khoán TIS) bị giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn xấp xỉ 6.800 tỉ đồng. Doanh nghiệp này bị lỗ sau thuế 195 tỉ đồng.
Thép Nhà Bè (TNB) cũng báo doanh thu giảm 35% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 1.060 tỉ đồng. Trừ các chi phí, doanh nghiệp bị lỗ sau thuế 1,2 tỉ đồng.
Một số doanh nghiệp vẫn gặt hái được số lãi hiếm hoi như Thép Thủ Đức đạt doanh thu hơn 570 tỉ đồng và lãi sau thuế 1,6 tỉ đồng. Thép Vicasa (VCA) mang về doanh thu hơn 1.250 tỉ đồng và lãi ròng sau thuế hơn 3,5 tỉ đồng.
Ông Đào Minh Châu - phó giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research - nhận định giá thép đang ở mức thấp trong nhiều năm, thời gian tới nhiều khả năng phục hồi. Mức độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp thép trong năm 2024 khoảng 70 - 80% so với năm nay.
Trong quý 3-2023, một công ty dệt may từng rất lớn ở TP.HCM không ghi nhận đơn hàng nào. Khoản doanh thu ít ỏi có được đến từ dịch vụ.