Ngày 27.10, tại kỳ họp 6, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp.
Ai chịu trách nhiệm ?
Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất thống nhất 3 lực lượng: bảo vệ dân phố; công an xã bán chuyên trách; đội trưởng, đội phó đội dân phòng để thành lập khoảng gần 85.000 tổ an ninh, trật tự (ANTT) tại các tổ dân phố trên cả nước, biên chế khoảng 254.163 người. Nhiệm vụ chính là hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu (ĐB) thống nhất đồng ý với mục đích của dự luật. Dù vậy, nhiều ĐB cũng bày tỏ băn khoăn liên quan tới vị trí, vai trò, cũng như số lượng và việc quản lý đối với lực lượng này. ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) đề nghị giao lực lượng ANTT cơ sở mới thành lập cho cấp ủy, UBND xã và hệ thống chính trị cấp xã quản lý, tổ chức, điều hành, phân công, tuyển dụng, kiểm tra và chăm lo chính sách, thay vì giao cho công an xã như dự thảo luật đang quy định.
Ông Nghĩa cho hay việc dự thảo luật quy định: "Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chịu sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; sự quản lý của UBND cấp xã; chịu sự chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, phân công, kiểm tra của công an cấp xã", khiến đảng ủy và UBND cấp xã không thể chỉ đạo, điều hành lực lượng này vì hiện trưởng công an xã chịu sự chỉ huy quản lý trực tiếp của trưởng công an cấp huyện.
Cạnh đó, ông Nghĩa lo lắng khả năng công an xã có thể điều hành, hướng dẫn, phân công, kiểm tra để lực lượng này thực sự là lực lượng của dân, do dân, vì dân chứ không "hành dân, hạch sách dân hay nhũng nhiễu dân".
Tương tự, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị làm rõ: lực lượng ANTT ở cơ sở có phải tổ chức cấp dưới của công an cấp xã hay không ? Theo ông Tám, nếu công an cấp xã không phải cấp trên của lực lượng, thì không nên quy định việc công an cấp xã "chỉ đạo, điều hành" như dự thảo mà chỉ nên quy định công an cấp xã phân công hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Trong khi đó, ĐB Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) cho rằng cần có một điều luật riêng, quy định cơ quan nào có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát và biện pháp xử lý trường hợp vi phạm.
Chi ngân sách tăng bao nhiêu
Vấn đề kinh phí chi trả cho lực lượng ANTT mới được thành lập cũng là vấn đề nhiều ĐB tiếp tục quan tâm, dù báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo luật được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới dẫn báo cáo của Chính phủ, khẳng định việc thành lập lực lượng mới sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với hiện nay.
ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) nói ông muốn biết khi dự án luật được ban hành thì ngân sách nhà nước phải tăng chi bao nhiêu trong khoản chi thường xuyên. Theo ông, với quy định của dự án luật thì lực lượng này được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, được bố trí địa điểm làm việc, bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị công cụ hỗ trợ trang phục… thì các khoản chi đảm bảo lớn. Trong khi đó, thực tế hiện nay, ở địa phương chỉ có đội trưởng, đội phó dân phòng được hưởng mức 15 - 20% mức lương tối thiểu vùng mỗi tháng, còn lại chỉ hưởng chế độ bồi dưỡng thông qua quỹ ANTT do người dân đóng góp.
ĐB Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) thì băn khoăn với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi tiếp thu chỉnh lý đã quyết định bỏ nội dung quy định đối với địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách T.Ư hỗ trợ kinh phí đảm bảo cho lực lượng ANTT. Bà Tâm đề nghị tiếp tục quy định bảo đảm kinh phí phù hợp cho địa phương, nhất là với các tỉnh còn khó khăn, "tránh tình trạng mỗi địa phương có quy định khác nhau, không đảm bảo công bằng".
Liên quan mức hỗ trợ, ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng nên quy định cụ thể về việc bố trí, sắp xếp, số lượng thành viên lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, tránh trường hợp mỗi địa phương quy định khác nhau, không đồng đều, dẫn tới dàn trải và ảnh hưởng đến nguồn kinh phí chi hỗ trợ cho lực lượng này.
Nên quy định tuổi tối đa
Dự thảo không quy định giới hạn tuổi đối với người có nguyện vọng tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở. Theo giải thích từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu giới hạn độ tuổi tối đa sẽ khó thu hút được người dân tham gia, nhất là những người dù nhiều tuổi nhưng vẫn đủ sức khỏe, có kiến thức, tâm huyết, trách nhiệm trong công tác xã hội.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng lực lượng này như "cánh tay nối dài" của công an cấp xã, hỗ trợ rất nhiều nhiệm vụ, rất quan trọng, vì vậy cần quy định giới hạn tuổi, bởi lẽ "U.70 mà canh gác ban đêm, ban hôm thì sao mà làm được". Đồng quan điểm, ĐB Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định về độ tuổi tối đa, vì hiện có nhiều tội phạm liều lĩnh, manh động, chống người thi hành công vụ, dễ gây thương tích cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ.