Xếp hàng bò trên đường cao tốc
Anh Đạt lý giải nguyên nhân khiến anh cùng nhiều người cảm thấy "ức chế" là do đoạn Yên Bái - Lào Cai dài gần 90km chỉ có hai làn xe lưu thông cho cả hai chiều.
Trong khi đó, đây lại là con đường huyết mạch nối lên các tỉnh Tây Bắc và cửa khẩu quốc tế Kim Thành nên có lưu lượng xe container, xe tải rất lớn.
"Xe trọng tải lớn đi rất chậm, trong khi đường chỉ có hai làn xe không cho phép vượt khiến cả đoàn phía sau cứ thế "bò" theo" - anh Đạt nói và cho biết trên tuyến có bố trí các điểm vượt xe, nhưng khi qua điểm này 2-3km thì tình trạng trên tái diễn.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 27-10, đoạn đường Yên Bái - Lào Cai được cơ quan chức năng quy định tốc độ từ 60 - 80km/h nhưng các tài xế trên tuyến rất khó duy trì được con số này do xe trọng tải lớn đi với tốc độ chậm.
Một số tài xế không đủ kiên nhẫn, lấn hết vạch kẻ liền để vượt lên gây nguy cơ va chạm với xe đi chiều ngược lại.
Đồng thời, tại một số điểm qua tỉnh Yên Bái còn xuất hiện tình trạng nhiều người tụ tập đón xe khách ngay trên cao tốc. Trong khi đó, mặt đường toàn tuyến thường xuyên xuất hiện tình trạng bong tróc bề mặt nhựa đường, nhiều đoạn hằn lún sau nhiều năm không được nâng cấp, cải tạo.
Theo khảo sát của đơn vị vận hành, tốc độ khai thác thực tế trên đoạn tuyến hai làn xe của cao tốc Nội Bài - Lào Cao chỉ đạt trung bình khoảng 50km/h.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy từ năm 2022 đến nay, 50 vụ tai nạn đã xảy ra trên tuyến cao tốc này làm 18 người chết và 43 nạn nhân bị thương, hư hỏng 101 phương tiện. Phần lớn xảy ra ở đoạn đường hai làn.
Nhiều tài xế chạy hai tuyến cao tốc tại miền Trung mới đưa vào khai thác từ năm 2022 là Hòa Liên - La Sơn và La Sơn - Cam Lộ (nối Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Trị) cũng cho hay khá lo lắng khi cao tốc thiếu vắng công trình phụ trợ.
Đường chưa có đèn, thậm chí vẫn còn nhiều đoạn đang chờ phủ sóng di động, khiến cánh tài xế ngán chạy đêm.
Thường xuyên lái xe từ Đông Hà (Quảng Trị) và Đà Nẵng để lấy hàng, anh Trần Đình Hiếu chọn tuyến cao tốc Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ để đi vì hiện nay tuyến này vẫn chưa thu phí. Dù chi phí tiết kiệm gần bằng tiền xăng, nhưng nếu phải đi lại vào ban đêm, anh vẫn chọn đường quốc lộ cho an tâm.
Theo anh Hiếu, tuyến cao tốc này rất hiếm nhà dân, nhiều đoạn hơn 30km không có khu vực dân cư, lại chưa có sóng di động nên anh lo khi xảy ra sự cố vào đêm hôm không biết cầu cứu thế nào.
"Tuyến này chưa có đèn đường mà cứ 1-2km lại có một khúc cua "cùi chỏ", dốc lên xuống liên tục nên nếu chở nặng thì sẽ nhiều nguy cơ. Miễn phí đường bộ thì cũng hấp dẫn nhưng ban đêm không dám đi", anh Hiếu nói.
Dễ xảy ra tai nạn liên hoàn
Là tài xế chuyên tuyến Nghệ An - bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), sau gần nửa năm lưu thông trên cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn - quốc lộ 45 và sau đó là quốc lộ 45 - Nghi Sơn, anh Đào Đức Tùng (42 tuổi) cho hay luôn trong trạng thái căng thẳng là sợ phương tiện gặp sự cố ở những đoạn đường không có làn khẩn cấp.
"Trường hợp phải dừng bất khả kháng, xe tôi sẽ chiếm dụng một nửa mặt đường. Với tốc độ duy trì 80km/h, nếu không xử lý kịp rất dễ gây ra tai nạn liên hoàn. Bản thân mình khi đang đi cũng rất sợ nếu bất chợt có phương tiện hư hỏng nằm giữa làn đường", anh Tùng kể.
Đồng quan điểm, tài xế Bùi Đức Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng khi lưu thông trên đường cao tốc êm thuận, tài xế thường rơi vào trạng thái thần kinh tĩnh, phản xạ sẽ kém hơn so với thông thường.
Do vậy, ở khoảng cách đủ để nhận ra chướng ngại vật hoặc tín hiệu cảnh báo (nếu có), sẽ rất khó để họ kịp phân tích và đưa ra phản xạ.
"Đường cao tốc vốn đòi hỏi những yêu cầu khắt khe để đảm bảo an toàn, việc tự ý cắt bỏ một trong những yếu tố này sẽ rất nguy hiểm" - anh Minh nói và cho biết việc đặt các dải dừng khẩn cấp rải rác trên tuyến là không có nhiều ý nghĩa bởi "phương tiện không chọn đoạn đường có điểm dừng khẩn cấp mới gặp sự cố".
Khắc phục ngay những tuyến cao tốc tiềm ẩn mất an toàn
Trước những bất cập về hạ tầng của một số tuyến cao tốc, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết đây là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ lớn dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông, thậm chí là tai nạn liên hoàn.
Trong đó, vị này nhấn mạnh đến hai yếu tố: cao tốc không có làn dừng khẩn cấp liên tục và những tuyến chỉ có hai làn xe mà không có dải phân cách giữa.
Bộ Công an đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần cải tạo ngay bảy tuyến cao tốc chưa đạt tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc.
"Đối với những đoạn cao tốc Bắc - Nam mới đưa vào khai thác, chưa thể nâng cấp ngay thì cần bố trí các điểm dừng khẩn cấp hợp lý và có khu vực làm nhiệm vụ của lực lượng chức năng", đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói.
Ngoài ra, trong thời gian chờ đầu tư nâng cấp, Bộ Công an cũng kiến nghị hạ cấp khai thác một số tuyến đường hai làn
xe không còn là cao tốc bởi không phù hợp với việc bố trí lực lượng và gây khó khăn trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Không nên làm cao tốc một làn xe/chiều
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một giảng viên khoa xây dựng cầu đường Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (đề nghị không nêu tên) cho biết dù miền Trung có ba tuyến đường được gọi là cao tốc nhưng chỉ có tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi đủ tiêu chuẩn gọi là cao tốc, xét theo quy chuẩn thiết kế tương đương đường cấp 1 với tốc độ khai thác tối đa 120km/h.
Tuy nhiên, tuyến này vẫn còn nhiều bất cập như đường vào ở đầu Quảng Ngãi, đoạn chưa tới trạm thu phí vẫn có điểm cắt dân sinh, xe máy ra vào. Đồng thời, tuyến này "trống trơn" các công trình phụ trợ như trạm nghỉ chân, trạm bảo dưỡng, hệ thống chiếu sáng nơi có nơi không.
Riêng hai tuyến còn lại Hòa Liên - La Sơn (nối Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế) và La Sơn - Cam Lộ (nối Thừa Thiên Huế - Quảng Trị) mới chỉ là tiêu chuẩn tương đương cấp thiết kế của đường cấp 3, tốc độ khai thác từ 60 - 80km/h tùy địa hình đồng bằng hay đồi núi do mới thực hiện đầu tư giai đoạn 1.
Nhiều năm tư vấn cho các dự án giao thông tại miền Trung, giảng viên này cho rằng dù đoạn cao tốc Hòa Liên - La Sơn và La Sơn - Cam Lộ được thiết kế với quy mô hai làn xe, bề rộng mặt đường 12m tương đương nhau nhưng ông vẫn cảm thấy... tiếc cho đoạn cao tốc La Sơn - Cam Lộ.
Bởi với tuyến cao tốc Hòa Liên - La Sơn, việc đường có quy mô tương đương đường cấp 3 và chia làm hai giai đoạn đầu tư là dễ hiểu vì công trình này ghi vốn từ năm 2013. Đường lại đi qua vùng địa hình đồi núi, vùng lõi rừng quốc gia Bạch Mã nên việc phân làm hai giai đoạn là dễ hiểu vì thi công là cực kỳ gian khó (mất gần 10 năm mới đưa vào khai thác - PV).
Với cao tốc La Sơn - Cam Lộ làm từ năm 2019, địa hình thi công thuận lợi nhưng vẫn chia làm hai giai đoạn. Chuyên gia này nói muốn đạt chuẩn cao tốc, xe được phép chạy 120km/h, thì buộc phải tiếp tục đầu tư giai đoạn 2.
"Tôi nghĩ sau này nếu đã ghi vốn cao tốc thì phải làm đường đáp ứng tiêu chuẩn tốc độ 100 - 120km/h. Mỗi bên tối thiểu phải ba, thậm chí bốn làn đường trong bối cảnh thập niên tới đây được dự báo tỉ lệ ô tô trong dân tăng vọt.
Tuyệt đối không nên đầu tư cao tốc mỗi bên có một làn đường và một làn dừng khẩn cấp như hiện nay vì nguy cơ nhiều mà lãng phí suất đầu tư", vị này nói.
Cục Cảnh sát giao thông cảnh báo, các đoạn cao tốc từ Nha Trang đến Dầu Giây đang trong giai đoạn khai thác tạm thời, không có hệ thống chiếu sáng, không có trạm dừng nghỉ.