vĐồng tin tức tài chính 365

Chứng khoán: Thăng trầm và kỳ vọng năm 2023

2023-10-28 10:23

Chứng khoán sôi động trở lại, kỷ lục mới được thiết lập

Kết thúc kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Phương Hiền (27 tuổi) hoàn tất hồ sơ mở tài khoản trực tuyến tại một công ty chứng khoán. Cô là một trong số những cá nhân trong nước đóng góp thêm 172.605 tài khoản mới cho thị trường tháng 9 vừa qua.

Chứng khoán ngày càng hiện diện rõ trong đời sống. 

Số liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, tính chung 9 tháng, nhà đầu tư mở mới thêm 926.200 tài khoản, đưa tổng số tài khoản đạt hơn 7,8 triệu, tăng 13,4% so với cuối năm 2022.

Chỉ tính riêng trong tháng 9, nhà đầu tư trong nước (bao gồm cả tổ chức) đã mở mới 172.695 tài khoản chứng khoán. Số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước cũng đạt mức trên 188.200 tài khoản, cao nhất trong vòng hơn 1 năm. 

Sự tham gia tích cực của nhà đầu tư cá nhân đã giúp giao dịch trên thị trường trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn kể từ quý II sau thời gian trầm lắng trong những tháng đầu năm. Nếu như vào quý I, giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường chỉ khoảng 11.300 tỷ đồng (giảm 44% so với bình quân năm 2022) thì kể từ quý II, giá trị giao dịch bình quân đã vượt 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Trong tháng 8 và 9 vừa qua, thị trường liên tiếp chứng kiến những phiên giao dịch "tỷ đô". Đáng chú ý, ngày 18/8, sàn HoSE ghi nhận kỷ lục mới với 1,6 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh, cao nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam, với tổng giá trị được chuyển nhượng khoảng 1,5 tỷ USD.

Chứng khoán: Thăng trầm và kỳ vọng năm 2023 - 1

Tình hình thanh khoản thị trường chung trong ít tháng gần đây (Ảnh chụp màn hình).

Tính riêng tháng 9, giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 11,2% so với tháng trước; tăng 85,4% so với cùng kỳ lên 28.624 tỷ đồng/phiên giao dịch.

Trong đó, giá trị giao dịch trên HoSE đạt 25.131 tỷ đồng/phiên tăng 12,7% so với tháng trước; HNX đạt 2.387 tỷ đồng/phiên tăng 9% so với tháng trước; UPCoM đạt 1.105 tỷ đồng/phiên, giảm 11,3% so với tháng trước.

Thị trường chứng khoán tiếp tục hút dòng tiền trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang hạ nhiệt nhanh và các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng.

Biến động và triển vọng

Thị trường chứng khoán trong giai đoạn gần 10 tháng qua chịu ảnh hưởng bởi nhiều biến động về vĩ mô trong nước và thế giới. Bối cảnh xung đột chính trị căng thẳng và lạm phát dâng cao khiến nhiều nền kinh tế phải thắt chặt tiền tệ, đồng USD tăng giá gây áp lực lên điều hành tỷ giá của hầu hết quốc gia…

Với độ mở cao, kinh tế Việt Nam không tránh khỏi bị tác động. Nhiều đối tác thương mại của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái, theo đó khiến xuất nhập khẩu suy giảm nghiêm trọng, hoạt động sản xuất cũng trầm lắng theo.

Tuy nhiên, trong nước, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng, qua đó tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với 4 lần ban hành các quyết định điều chỉnh giảm mức lãi suất điều hành đã tạo tiền đề cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Chứng khoán: Thăng trầm và kỳ vọng năm 2023 - 2

Diễn biến VN-Index từ đầu năm (Nguồn: Tradingview).

Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đã về "vùng đáy", tại Vietcombank còn 5,1%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, tại Agribank, VietinBank, BIDV có mức huy động cao nhất là 5,3%/năm cho kỳ hạn dài trên 12 tháng; 4,3%/năm cho các kỳ hạn trên 6 tháng đến dưới 12 tháng; 3-3,3%/năm cho kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng. Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng chỉ khoảng 5,3-5,7%/năm. 

Việc lãi suất tiết kiệm xuống thấp một mặt khiến kênh đầu tư chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư; đồng thời là điều kiện để hạ lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp trên sàn giảm áp lực nợ vay.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, các chỉ số quan trọng của nền kinh tế đã cho thấy sự cải thiện đáng kể trong quý III cũng như 9 tháng, bao gồm tăng trưởng GDP cao hơn so với quý I và II, nhiều chỉ số kinh tế như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước cải thiện so với cùng kỳ năm 2022.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng có những tín hiệu tích cực, với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9 đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng mạnh 8 tháng đầu năm thì thời gian gần đây, VN-Index đã có những điều chỉnh đáng kể. Trước khi đóng cửa phiên 27/10 trên ngưỡng 1.060 điểm thì VN-Index đã có thời điểm rơi sát 1.037 điểm.  So với mức đỉnh 1.248 điểm (phiên 7/9), chỉ số đại diện sàn HoSE giảm hơn 210 điểm.

Chứng khoán: Thăng trầm và kỳ vọng năm 2023 - 3

Nhiều nhà đầu tư băn khoăn với triển vọng thị trường (Ảnh: Hải Long).

Chỉ số hiện tại chỉ cao hơn so với đầu năm 5,32%. Thanh khoản thị trường cũng thu hẹp so với thời gian trước. Nhiều nhà đầu tư đang bày tỏ lo ngại về triển vọng thị trường cuối năm cũng như trong năm 2024.

Liệu rằng, chứng khoán đã "hết vị" và bước sang giai đoạn điều chỉnh? Nhiều nhà đầu tư bày tỏ băn khoăn với triển vọng thị trường, chưa xác định được hướng đi cụ thể nhằm đạt được hiệu quả, tăng giá trị, thậm chí là bảo toàn tài khoản - nhất là với những người mới gia nhập thị trường không lâu như trường hợp của Phương Hiền đề cập đầu bài viết này.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một số chuyên gia chứng khoán cho rằng, việc thị trường điều chỉnh như những phiên vừa qua là tất yếu và cần thiết để định giá lại các cổ phiếu phù hợp hơn với kỳ vọng. Nhìn lại diễn biến thị trường trong khoảng 2 tháng trở lại đây, đầu tư ở thời điểm hiện tại sẽ ít rủi ro hơn so với khi VN-Index ở trên vùng 1.200 điểm. Nhiều cổ phiếu đã chiết khấu rất mạnh tới 30-40% so với đỉnh.

Chứng khoán: Thăng trầm và kỳ vọng năm 2023 - 4

Các diễn giả tham gia tọa đàm "Đối thoại và Giải pháp" ngày 30/10 của báo Dân trí.

Lãi suất liên ngân hàng mặc dù tăng trở lại tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá kịch bản đảo chiều chính sách tiền tệ sẽ chưa xảy ra trong bối cảnh nỗ lực phục hồi kinh tế như hiện nay.

Hơn nữa, kế hoạch vận hành KRX vẫn đang được kỳ vọng sớm đi vào thực tiễn. Hệ thống này được cho là sẽ mang đến các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới như giao dịch trong ngày (T+0), bán khống (short selling), rút ngắn thời gian thanh toán, hợp đồng quyền chọn (option contract)...

KRX đồng thời là tiền đề cho việc tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán. Về phía cơ quan quản lý, UBCKNN thời gian qua cũng liên tục có những cuộc làm việc với các bên liên quan để xúc tiến mạnh hơn, chuẩn bị kỹ lưỡng cho mục tiêu nâng hạng.

Dù thế, chứng khoán vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân sự kiện tới thăm sàn Nasdaq (Mỹ) hồi tháng 9 vừa qua đã khẳng định rằng, Việt Nam sẽ tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thông qua việc triển khai 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng hiện đại, đồng bộ; đào tạo nhân lực chất lượng cao).

Lãnh đạo Chính phủ cam kết đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, luôn lắng nghe, thấu hiểu và cùng cộng tác để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh, hoạt động hiệu quả, bền vững.

Do vậy, khi thị trường điều chỉnh sâu, một số chuyên gia cho rằng, tình huống này mở ra nhiều cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu tốt, giải ngân cho mục tiêu trung hạn. Những cổ phiếu triển vọng nhất là những cổ phiếu đã chiết khấu về vùng giá hợp lý, được hưởng lợi từ các điều kiện vĩ mô cũng như có lợi thế ngành. Có được bức tranh toàn cảnh và đánh giá kỹ lưỡng triển vọng thị trường, nhà đầu tư sẽ nắm chắc hơn phần thắng.

8h ngày 30/10, báo Dân trí tổ chức tọa đàm trực tuyến "Tìm động lực cho thị trường chứng khoán những tháng cuối năm". Tọa đàm này nằm trong vệt tọa đàm "Đối thoại và Giải pháp" của báo Dân trí.

Diễn giả tham dự tọa đàm gồm bà Phạm Thị Thùy Linh - Vụ phó Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ông Đinh Đức Minh - Giám đốc Đầu tư Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital; ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức,  Công ty Chứng khoán SSI; ông Phan Dũng Khánh - Chuyên gia độc lập.

"Đối thoại và Giải pháp" là chuỗi tọa đàm lĩnh vực kinh tế do báo Dân trí tổ chức. Mỗi số tọa đàm là một chủ đề khác nhau.

Trong "Đối thoại và Giải pháp", các diễn giả dự kiến là nhà làm chính sách, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, thành tố lĩnh vực kinh tế... sẽ cùng bàn luận, nêu quan điểm, góc nhìn, đồng thời đề xuất, kiến nghị, giải pháp cho những vấn đề kinh tế nóng hổi, cấp bách, được dư luận quan tâm.

Xem thêm: mth.05822645082013202-3202-man-gnov-yk-av-mart-gnaht-naohk-gnuhc/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad

Comments:0 | Tags:Kinh doanh

“Chứng khoán: Thăng trầm và kỳ vọng năm 2023”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools