Làng quê khốn đốn vì vỡ nợ "tín dụng đen"
Tín dụng đen vẫn luôn là nỗi ám ảnh, dù cơ quan chức năng đã có hàng loạt giải pháp ngăn chặn. Bộ Công an cho biết, trong 3 năm qua đã có 2.740 vụ với gần 5.000 đối tượng liên quan đến "tín dụng đen" bị phát hiện, 3.399 bị can đã bị khởi tố điều tra.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý hơn 700 vụ, khởi tố trên 400 vụ và 800 bị can. Hoạt động tín dụng đen thường diễn ra ngầm, âm thầm, không ồn ào, nhưng hệ lụy của nó thì có thể là khuynh gia bại sản, thậm chí có những tình huống siết nợ bạo lực, đẫm máu và nước mắt, gây bất an cho xã hội.
Lãi suất 6%/tháng, tương đương 72%/năm, cần vốn làm ăn, một người phụ nữ đã vay tiền trên 3 tỷ đồng của bà Vũ Thị Dung tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Vay rồi trả rồi lại vay, nhưng không may việc làm ăn không suôn sẻ, cộng với "lãi mẹ đẻ lãi con" từng ngày, bà đã không thể trả nợ. Đến nay, sau nhiều năm, số tiền gốc vay chỉ còn vài trăm triệu đồng, nhưng số tiền lãi đã nhân lên gấp hàng chục lần.
"Lãi suất cũng cao. Không có để mà trả, không có nguồn thu gì, bây giờ không còn gì cả, mất hết rồi", người đi vay nặng lãi nói.
Tích góp cả đời được gần 500 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Hường (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã cho Vũ Thị Dung vay để lấy lãi. Nhưng lãi chưa thấy đâu thì bà Dung đã tuyên bố vỡ nợ. Đúng lúc này bà Hường phát hiện mắc bệnh ung thư. Tiền không thể đòi về, bà đành phải rao bán nhà để lấy tiền chữa bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hường cho biết: "Cho bà ấy vay cũng lồi lên được một tí, có 1,5% ấy mà bà ấy cho người ta vay 4,5 % cơ. Sau này mới biết là bà ấy cho vay nặng lãi, cứ nghĩ là bà ấy đi buôn bất động sản thì cho bà ấy vay. Bao nhiêu lần tôi đến nhà tôi khóc lóc đòi cũng không được. Giờ phải bán nhà lấy tiền chữa bệnh".
Không chỉ bà Hường, ở thị trấn Diêm Điền, có đến vài chục hộ gia đình lâm vào vòng xoáy nợ nần khi cầm cố cả nhà cửa để đem tiền cho bà Dung vay mượn, hoặc là vay nặng lãi từ người phụ nữ này, với tổng số tiền lên tới gần 70 tỷ đồng.
Về pháp lý, Nhà nước cho phép nhân dân tự tổ chức hình thức huy động vốn góp. Thế nhưng đồng thời đặt ra yêu cầu phải đảm bảo an toàn, đúng pháp luật không vượt quá mức lãi suất 20%/năm. Tuy nhiên, tình trạng vay nợ giữa các cá nhân hiện nay biến tướng thành tín dụng đen và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Phải chăng các chế tài chưa đủ sức ren đen để ngăn sự biến tướng này?
Theo TS Luật sư Lê Văn Thiệp - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: "Khung pháp luật về tội cho vay lãi nặng cũng mới được quy định, không phải quá lâu. Tuy nhiên, mức hình phạt cũng chưa đủ để răn đe. Thứ hai là cơ chế phát hiện tội phạm và đặc biệt ý thức của người dân tham gia các quá trình dân sự này chưa được tích cực. Về cơ bản chỉ xử lý được khi chúng ta phát hiện được vi phạm…".
Nhức nhối tình trạng "tín dụng đen" lãi suất cao
Hiện nay không chỉ cho vay trực tiếp, trên không gian mạng, có rất nhiều ứng dụng cho vay online trá hình, mà ẩn sau đó là các đội nhóm cho vay nặng lãi, đang sử dụng nhiều chiêu trò để dụ dỗ người vay.
Trên một số trang mạng xã hội xuất hiện nhiều tin nhắn, nội dung quảng cáo như: "Cho vay không cần thế chấp, lãi suất không đồng", "Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút"… Cùng với đó, xuất hiện các thủ đoạn mới, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng, giả danh các công ty tài chính chính thống, thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận.
Vay 75 triệu, chỉ sau 1 thời gian nhóm đối tượng bắt phải kí giấy nợ gần 200 triệu. Lãi suất là 15.000 đồng/1triệu/ngày, tương đương với 540%/năm. Khi người vay không trả được thì các đối tượng cho vay đã đe dọa, tạt chất bẩn vào nhà người vay để khủng bố. "Không đòi được nó đe dọa tinh thần, thậm chí cả tính mạng", người vay "tín dụng đen" nói.
Người thanh niên trong một lần cần tiền phải tìm đến nhóm đối tượng "tín dụng đen". Anh vay 175 triệu đồng. Lãi suất 10 ngày đầu là 10.000 đồng/ngày/triệu, sau đó là 5.000 đồng/ngày.
Tiền lãi lớn dần anh không đủ khả năng trả, 2 đối tượng tìm đến nhà và đánh anh. Sau hơn 1 tháng trên mắt anh vẫn còn vết bầm tím.
"Họ dùng điếu vụt vào gáy, tát vào đầu em. Tối về mắt sưng và tím lên", người vay "tín dụng đen" nói.
Mới đây, từ thông tin số điện thoại quảng cáo về cho vay nặng lãi trên tờ rơi, Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ được 1 nhóm đối tượng này. Cho vay với lãi suất tới gần 600%/năm, khiến nhiều nạn nhân lâm vào cảnh vỡ nợ.
Trong quá trình điều tra, cơ quan công an còn phát hiện nhiều vụ việc do nhóm đối tượng người nước ngoài chủ mưu cấu kết với các đối tượng người Việt Nam sử dụng nhiều pháp nhân thương mại "ma" để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất hàng nghìn %/năm.
Để đẩy lùi "tín đen" là một thách thức rất lớn. Để góp phần giải quyết thách thức này, việc tìm cách để người dân tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức rất quan trọng. Là một kênh vốn chính thống, tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã và đang góp phần đẩy lùi "tín dụng đen", khẳng định được vai trò trong sự phát triển chung của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.
VTV.vn - Hội thảo "Gỡ nút thắt cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen" do VTV Digital tổ chức sẽ bàn giải pháp tháo gỡ cho hoạt động cho vay tiêu dùng, từ đó đẩy lùi tín dụng đen
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.55220901182013202-ed-nar-cus-ud-auhc-iat-ehc-gnos-tad-noc-ned-gnud-nit/et-hnik/nv.vtv