Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về tính cấp bách của việc phát triển tổng thể đường ven sông Sài Gòn, kiến trúc sư HỒ THIỆU TRỊ nói: "Chúng ta có thể thấy rõ sự phát triển đường ven sông Sài Gòn còn nhiều hạn chế.
Người dân chỉ đi dạo được từ đường Nguyễn Huệ đổ xuống quảng trường Mê Linh, hay ngược lên Tôn Đức Thắng tới cầu Ba Son rồi quay trở về bến Vân Đồn. Đây quả là điều đáng tiếc".
* Ông nhận định thế nào trước đề xuất tháo dỡ bức tường ngăn cách khu dân cư Saigon Pearl - Vinhomes để thông suốt đường ven sông Sài Gòn?
- Có thể thấy những đoạn đường ven sông hiện có rất ngắn, chưa đóng góp nhiều cho sinh hoạt, cảnh quan của khu trung tâm TP.HCM. Vì vậy, việc chúng ta tháo dỡ bức tường ngăn cách khu dân cư Saigon Pearl - Vinhomes, kết nối với các đoạn đường ven sông đã có sẵn là hợp lý.
Hơn thế nữa, thành phố có thể xây dựng thêm đoạn đường ven sông từ cầu Ba Son tới cầu Sài Gòn về hướng Thanh Đa, thậm chí là về huyện Củ Chi.
Hành lang của các khu vực trên đều có những quỹ đất đang phát triển dọc theo, tất cả đều là nguồn tài nguyên quý giá vô cùng.
Sự phát triển bờ sông sẽ kéo theo sự phát triển của những quận huyện mà nó đi qua, tạo thành một sự phát triển tổng thể cho cả TP.HCM.
* Thưa ông, việc quy hoạch, phát triển khu vực ven sông Sài Gòn, đặc biệt qua đoạn trung tâm TP.HCM cần lưu ý những gì?
- Dọc theo sông Sài Gòn, chúng ta sẽ đi qua khu trung tâm TP. Đây là nơi thu hút du lịch và chắc chắn một điều đoạn sông này phải được xây dựng các công trình có điểm nhấn. Bài toán của chúng ta đa dạng hơn vì sông Sài Gòn trải dài, uốn khúc, trải dài qua nhiều khu vực.
Mỗi một vùng khi quy hoạch sẽ có những công trình tạo điểm nhấn. Đơn cử như ở nước Pháp có con sông Seine bao bọc quanh Paris. Điểm nhấn của khu vực trung tâm này là tháp Eiffel cùng nhiều công trình kiến trúc đặc biệt khác.
Vấn đề phát triển đường ven sông không chỉ đơn thuần là bờ đê, đường đi bộ mà chúng ta phải nghĩ tới sự phát triển sâu hơn về không gian, xã hội để làm nổi bật lên hình ảnh của TP.
* Hiện nay, một số khu vực ven sông Sài Gòn "mọc" lên các công trình, lấn chiếm hành lang ven sông. Đây đang là thách thức không nhỏ cho công tác quản lý và phát triển, đặc biệt ở một "siêu đô thị" như TP.HCM…
- Việc TP cần làm ngay lúc này là đẩy nhanh nghiên cứu, quy hoạch kiến trúc của con sông và vùng ven sông. Nếu không có quy hoạch mà cứ xây dựng ngổn ngang thì sẽ để lại rất nhiều hậu quả tiêu cực. Đến lúc muốn làm đẹp thì lại giải tỏa, dỡ bỏ đi thì sẽ gây tốn kém nhiều hơn.
Nguyên tắc của những thành phố phát triển trên thế giới là phát triển dọc theo những con sông, có những không gian cho tuyến giao thông ven sông. Diện tích rộng hẹp bao nhiêu tùy theo địa thế từng vùng, từng thành phố.
Còn ở TP.HCM theo quy hoạch lúc trước chỉ cần 20m tính từ ven sông, sau này yêu cầu 50m. Có những khu vực 20m đã bị lấn chiếm thì việc giải quyết bài toán này trở nên khó khăn hơn.
Do đó, cần phát triển khu vực ven sông thích ứng theo từng khu vực. Hầu như ai cũng mong muốn từ ven sông trở vào phải có khoảng không gian rộng, con đường và cảnh quan khang trang.
Việc cần thiết, không thể chậm trễ hơn vào lúc này là phải kết nối thông suốt bắt đầu từ những đoạn sẵn có dọc ven sông Sài Gòn.
Hơn 4.000 tỉ đồng đầu tư đường ven sông Sài Gòn
Bên cạnh đề xuất tháo dỡ bức tường ngăn cách khu dân cư Saigon Pearl - Vinhomes khai thông đường ven sông, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đã phối hợp với đơn vị liên quan nghiên cứu phương án đầu tư đường ven sông Sài Gòn đoạn qua khu vực trung tâm.
Cụ thể, đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn dài khoảng 1,95km, quy mô rộng 35m với tổng mức đầu tư khoảng 1.781 tỉ đồng. Đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Bình Triệu với chiều dài khoảng 1,98km, rộng từ 20 - 35m với khoảng 2.271 tỉ đồng.
Việc đầu tư tuyến đường ven sông theo đúng lộ giới quy hoạch, đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Kinh Thanh Đa để kết nối vào quốc lộ 13 (dự án BOT quốc lộ 13 đã được HĐND TP thông qua) là thực sự cần thiết.
Các sở ngành TP.HCM kiến nghị có phương án xử lý bức tường ngăn đường ven sông Sài Gòn và mở rộng đường lên 35m tại đoạn đi qua khu dân cư Saigon Pearl quản lý.