Sáng 28-10, câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM tổ chức buổi ra mắt và kết nạp hội viên, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Hướng đến áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM thành lập ngày 27-6-2023 trực thuộc Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.
Trước đó, ngày 28-12-2022, câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam được ra mắt tại Hà Nội. Hiện nay cả nước có nhiều câu lạc bộ Di sản áo dài ở các tỉnh, thành đã hoặc chuẩn bị thành lập.
Các câu lạc bộ Di sản áo dài ra đời với sứ mệnh bảo tồn và lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt Nam qua trang phục dân tộc.
Hơn hết là góp phần xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bà Phùng Thị Thu Thủy - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Phú Trường Quốc Tế - làm chủ nhiệm câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM.
Cùng đó là các thành viên Lương Ngọc Hân, Nguyễn Thị Thanh Thúy, Lê Thị Bạch Tuyết và Trang Thị Ngọc Trinh.
Đặc biệt, tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu trang phục Việt - làm trưởng ban cố vấn cho câu lạc bộ.
“Áo dài là hồn cốt, phong cách, khí chất của người Việt Nam. Cứ nói đến áo dài là nói đến Việt Nam, tôi mong rằng chúng ta sẽ tiếp bước, nói lên tiếng nói tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc” - tiến sĩ Lý Thị Mai nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - giám đốc Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, chủ nhiệm câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam - mong muốn các hoạt động của quỹ sẽ đóng góp tích cực trong công cuộc bảo tồn văn hóa, di sản văn hóa của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tuyên truyền về áo dài tinh tế, duyên dáng
Bà Phùng Thị Thu Thủy - chủ nhiệm câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM - mong muốn câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM sẽ là ngôi nhà chung dành cho những người yêu áo dài và góp phần cổ vũ mặc áo dài trong các hoạt động đời thường thường xuyên hơn, kể cả nam và nữ.
Dự kiến trong tháng 11-2023, câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM sẽ tặng áo dài cho giáo viên, phụ nữ làm trong ngành giáo dục tại huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ, TP.HCM.
"Ngoài ra câu lạc bộ sẽ kết nối các đơn vị, cơ quan cùng tổ chức các hoạt động liên quan đến áo dài, để lồng ghép tuyên truyền về áo dài một cách duyên dáng, tinh tế.
Câu lạc bộ cũng sẽ tổ chức các hoạt động thiện nguyện, ưu tiên đối tượng hỗ trợ là học sinh, sinh viên, nữ giáo viên…" - bà Thu Thủy cho biết thêm.
Trong khuôn khổ lễ ra mắt và kết nạp hội viên câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM, nhà thiết kế Huy Võ mang đến bộ sưu tập áo dài Di sản đương đại.
Các thiết kế được lấy cảm hứng từ Huế xưa, gợi nhớ những cảm xúc hoài cổ, gắn liền với hình ảnh quê hương.
Ngoài ra, ban tổ chức còn trưng bày sách ảnh về nữ tướng Nguyễn Thị Định trong trang phục áo dài; trưng bày áo dài gia bảo của các gia đình ba miền; áo dài đương đại; lụa, guốc mộc, nón lá và các phụ kiện của nghệ nhân, thợ may, thêu, vẽ áo dài…
Thông điệp của câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM: "Áo dài Việt Nam, di sản sản Việt Nam, khí chất Việt Nam, vươn tầm thế giới".
TTO - Ngày 19-11, chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Di sản văn hóa đã được UBND quận 1 và Hội Di sản văn hóa TP.HCM khởi động, thu hút đông đảo người dân tham gia.