Liên quan vụ thao túng chứng khoán FLC, ngoài hành vi thao túng chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC còn bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết luận điều tra xác định ông Quyết thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 3.620 tỉ đồng của các nhà đầu tư thông qua thủ đoạn nâng khống vốn điều lệ Công ty cổ phần xây dựng Faros rồi niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.
Từ năm 2009, ông Quyết thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Năm 2012, ông Quyết chỉ đạo cấp dưới mua lại Công ty cổ phần Giải trí GreenBelt với giá 1,5 tỉ đồng.
Ông Quyết nhờ người đứng tên góp vốn vào Công ty này và sau đó 2 lần làm thủ tục đổi tên thành Công ty cổ phần Xây dựng và đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà rồi thành Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros.
Trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2014, Công ty này vẫn giữ nguyên vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng. Sau một quá trình tăng vốn ồ ạt, tháng 9-2016, Công ty Faros niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE với vốn điều lệ 4.300 tỉ đồng. Thời điểm niêm yết, ông Quyết nắm giữ gần 178 triệu cổ phần, tương đương 41,7%.
Trong quá trình này, ông Quyết chỉ đạo hai em gái là bị can Trịnh Thị Minh Huế và bị can Trịnh Thị Thúy Nga cùng các bị can khác đứng tên cổ đông để thực hiện việc góp vốn khống tại Công ty Faros
Những cá nhân này đã ký khống các chứng từ như Ủy nhiệm chi, Giấy nộp tiền mặt; Giấy rút tiền mặt ... để bà Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền vào, rút tiền ra rồi nộp lại... quay vòng nhiều lần. Tổng cộng, Faros đã 5 lần tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần.
Để che giấu việc rút vốn ra, ông Quyết dùng cách lập các hợp đồng ủy thác đầu tư, cho vay vốn, hợp tác kinh doanh khống.
Bà Huế là người trợ giúp ông Quyết bằng cách soạn thảo rồi để ba đời Giám đốc Faros ký 115 hợp đồng khống với 12 doanh nghiệp và 6 cá nhân. Từ đó đưa vào hạch toán hợp thức cho việc rút số tiền góp vốn và che mắt cơ quan chức năng.
Đến thời điểm hết hạn hợp đồng, phải thu hồi các khoản ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh, cho vay vốn…; ông Quyết lại che giấu bằng cách ký các hợp đồng mua cổ phần các công ty thuộc nhóm FLC.
Kết luận điều tra nêu rõ, dù biết việc nâng khống vốn điều lệ Faros như trên là vi phạm pháp luật nhưng ông Quyết vẫn thực hiện.
Sau khi nâng khống vốn điều lệ, biết Faros không đủ điều kiện được niêm yết tại Sở GDCK TP Hồ Chí Minh nhưng ông Quyết vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị chấp thuận công ty đại chúng, đăng ký lưu ký, niêm yết cổ phiếu.
Đến ngày 24-8-2016, Sở GDCK TP Hồ Chí Minh có quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu ROS, với số lượng 430 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng, tổng giá trị cổ phiếu theo mệnh giá 4.300 tỉ đồng, giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu.
Từ tháng 9-2016 đến tháng 3-2022, ông Quyết giao cho bà Huế sử dụng các tài khoản dưới tên Trịnh Văn Quyết và 40 tài khoản chứng khoán nhờ người khác đứng tên để thực hiện việc mua, bán cổ phiếu ROS.
Tổng cộng, bà Huế đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS ban đầu hình thành từ vốn góp khống (cổ phiếu không đảm bảo giá trị) thu được 4.818 tỉ đồng.
Tại Faros, vốn điều lệ là 4.300 tỉ đồng nhưng số tiền thực góp của các cổ đông là 1.197 tỉ đồng, được sử dụng cho các hoạt động tổng thầu thi công các dự án của FLC trước khi niêm yết. Do đó, CQĐT xác định số tiền các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS bị chiếm đoạt là 3.620 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ủy thác điều tra cho 200 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức tiếp nhận đơn trình báo, xác minh, ghi lời khai đối với các nhà đầu tư còn đang sở hữu cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng Faros.