Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cùng loạt quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn được bổ sung, kỳ vọng sẽ góp phần tích cực ngăn chặn tình trạng các ông chủ lũng đoạn ngân hàng.
Sở hữu chéo vẫn là vấn đề nhức nhối nhất
Trong báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 vừa công bố, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, tình trạng “sở hữu chéo”, cho vay “sân sau” còn phức tạp.
Mặc dù so với giai đoạn trước, tình trạng sở hữu chéo đã từng bước được kiểm soát, song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi thực tế, sở hữu chéo rất khó nhận diện trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân, tổ chức khác đứng tên số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật. Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch, đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, sở hữu chéo ở Việt Nam vẫn vô cùng phức tạp và luôn là khởi nguồn của mọi cuộc khủng hoảng, đổ vỡ ngân hàng. Tuy nhiên, phát hiện sở hữu chéo không hề đơn giản, nhiều khi phải thông qua điều tra mới phát hiện được.
Hiện hàng loạt quy định theo hướng siết chặt sở hữu chéo ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bổ sung vào Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), sẽ trình Quốc hội thông qua kỳ họp này. Đáng chú ý là tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân từ mức 5% vốn điều lệ ngân hàng sẽ giảm xuống còn 3%. Sở hữu của một cổ đông là tổ chức, giảm từ mức 15% hiện tại xuống còn 10%, của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%...
Mục đích của NHNN khi bổ sung các quy định này là nhằm xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ngay cả khi các quy định này được thông qua, giới chuyên gia cho rằng, các tập đoàn sân sau vẫn có thể lũng đoạn ngân hàng thông qua hàng trăm công ty con để “lách” các quy định.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, các quy định về ngăn sở hữu chéo và tăng tính đại chúng của một ngân hàng ở nước ta đã đáp ứng được thông lệ quốc tế. Tuy vậy, trên thực tế, các quy định này chưa đủ để ngăn sở hữu chéo ngân hàng. Nguyên nhân là, khâu thanh tra, giám sát ở Việt Nam còn quá yếu và cấu trúc sở hữu ngân hàng ở nước ta quá phức tạp.
Nhiều chuyên gia ngân hàng cũng nhận định, dù Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có sửa, giảm bớt tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, thì các tập đoàn sân sau vẫn dễ dàng lách quy định “người liên quan” bằng việc thành lập hàng trăm công ty con để thao túng ngân hàng. Đây cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, thực tế các tổ chức, cá nhân có thể đứng tên hoặc nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, thậm chí thành lập doanh nghiệp trong hệ sinh thái để vay vốn ngân hàng. Nếu cố tình nhờ đứng tên, NHNN sẽ không xử lý được, chỉ có cơ quan điều tra phát hiện như một số vụ vừa qua.
Vì vậy, dù coi các quy định sửa đổi trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi góp phần quan trọng vào khắc phục tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, song Thống đốc cũng cho rằng, chờ quy định xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo thì không có.
Tóm lại, sửa Luật Các tổ chức tín dụng sẽ giúp việc ngăn chặn sở hữu chéo có hiệu quả hơn, song Luật chỉ là một phần. Theo Thống đốc, để chặn tình trạng lũng đoạn ngân hàng, cần phải kết hợp với các quy định khác để làm sao hoạt động của các tổ chức, cá nhân minh bạch.
Được biết, NHNN đã đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2023 nội dung thanh tra về chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối tổ chức tín dụng; cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản; cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn của tổ chức tín dụng…).
Tăng tốc xử lý ngân hàng yếu
Ngoài ngăn chặn tình trạng cổ đông lớn lũng đoạn ngân hàng, thì xử lý các ngân hàng yếu kém cũng đang là vấn đề nhức nhối. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc xử lý ngân hàng yếu kém chậm có tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất của các tổ chức tín dụng.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ đầu tuần này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng băn khoăn khi 10 năm qua vẫn chưa giải quyết được ngân hàng 0 đồng nào, ngay cả khi đã có chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng này.
Phân trần về thực trạng trên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, xử lý các ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó, nhưng trong bối cảnh nửa nhiệm kỳ với kinh tế thế giới và trong nước vô cùng khó khăn nên còn khó khăn hơn nữa. Dù vậy, công việc này đang trong giai đoạn hoàn tất.
TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cũng cho rằng, sở dĩ quá trình tái cơ cấu ngân hàng diễn ra chậm là do bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới những năm qua gặp nhiều bất lợi. Thêm vào đó, hành lang pháp lý bất cập cũng khiến ngành ngân hàng chưa thể đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, xử lý ngân hàng yếu kém là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của NHNN hiện nay. Tuy nhiên, xử lý ngân hàng yếu trước tiên cần có hành lang pháp lý lành mạnh, sửa Luật Các tổ chức tín dụng chính là một trong những giải pháp giúp đẩy nhanh quá trình này.
Theo các chuyên gia, để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng, cần phải có quy định “bảo hộ pháp lý đối với đội ngũ thanh tra, kiểm tra - giám sát tổ chức tín dụng”. Thực tế, quá trình tái cơ cấu ngân hàng diễn ra chậm thời gian qua ngoài vấn đề thị trường chưa thuận lợi, cơ chế chưa thông thoáng, thì còn do sự lo ngại không dám quyết của nhiều cán bộ thanh tra, giám sát và các cán bộ thực hiện công tác tái cơ cấu tại những ngân hàng yếu kém.
Sở hữu chéo ở nước ta hiện nay không còn phổ biến như giai đoạn trước đây. Sau khi Luật Các tổ chức tín dụng được sửa đổi, NHNN siết mạnh thanh kiểm tra, sở hữu chéo đã giảm khá mạnh từ năm 2019. Hiện nay, sở hữu chéo chỉ còn tồn tại ở một số ngân hàng nhỏ, trung bình. Về cơ bản, những ngân hàng này đã được cơ quan giám sát nhận diện và khoanh vùng để xử lý.
Để giảm thiểu sở hữu chéo, đầu tiên là phải có các quy định pháp luật đủ mạnh. NHNN đang sửa Luật Các tổ chức tín dụng trong đó có cả một chương về giảm rủi ro liên quan tới sở hữu chéo. Như vậy, động thái chính sách của nhà điều hành là rất mạnh tay. Tuy nhiên, quá trình thực thi mới là vấn đề. Quá trình thực thi phải công khai, minh bạch thì chống sở hữu chéo mới có hiệu quả.
- TS. Cấn Văn Lực
5 giai đoạn tái cơ cấu ngân hàng trong vòng 25 năm qua
Trong vòng 25 năm qua, hệ thống ngân hàng nước ta đã trải qua 5 đợt tái cơ cấu, mỗi lần tái cơ cấu đều xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết của tình hình kinh tế trong nước và tác động diễn biến kinh tế thế giới. Trong đó, cuộc tái cơ cấu lần thứ nhất diễn ra sau giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1998), với nợ xấu giai đoạn này giảm từ 13% xuống còn 5% năm 2003. Cuộc tái cơ cấu lần 2 (2006 - 2010) diễn ra với hàng chục ngân hàng nông thôn biến thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị. Cuộc tái cơ cấu lần 3 (2011 - 2015) diễn ra căng thẳng nhất với 9 ngân hàng thương mại yếu kém phải tái cơ cấu bắt buộc, hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng diễn ra, nhiều thương hiệu ngân hàng biến mất, 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng. Cuộc tái cơ cấu ngân hàng lần 4 (2016 - 2020) có thành tựu lớn về xử lý nợ xấu nhờ sự ra đời của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và nhờ thị trường thuận lợi.
Giai đoạn hiện tại, công cuộc tái cơ cấu ngân hàng lần 5 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Tâm điểm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng lần này vẫn là xử lý nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém (gồm 3 ngân hàng 0 đồng, 2 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt - SCB, DongABank và một số ngân hàng có nợ xấu cao khác).
Thống đốc NHNN cho hay, quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng kéo dài do việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc khó khăn vì phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và DongA Bank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.