Nhiều công ty bất động sản công bố báo cáo tài chính quý 3-2023. Các con số đưa ra phản ánh sự khó khăn kéo dài của ngành này.
Doanh thu giảm, nhân sự giảm
Tại Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (mã chứng khoán: DXS), tình hình kinh doanh vẫn ảm đạm khi doanh thu, lợi nhuận "rủ nhau" lao dốc.
Quý 3, doanh thu công ty môi giới này đạt 509 tỉ đồng, giảm khoảng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 25,4 tỉ đồng, sụt 87% so với mức gần 200 tỉ đồng cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, DXS có doanh thu hơn 1.500 tỉ đồng, giảm 53%; còn lợi nhuận sau thuế âm gần 36 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ còn lãi 671 tỉ đồng.
Trong văn bản giải trình kết quả kinh doanh, bà Phạm Thị Nguyên Thanh - tổng giám đốc DXS - cho biết nguyên nhân chủ yếu do tình hình khó khăn chung ảnh hưởng đến lĩnh vực bất động sản. Điều này dẫn đến doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh.
Kỳ này, trừ chi phí lãi vay tăng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của DXS đều giảm rất mạnh.
Cụ thể, chi phí bán hàng 9 tháng còn 237 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ 712 tỉ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 59%, đạt 176 tỉ đồng.
Trong đó chi phí tiền lương giảm mạnh nhất trong bối cảnh nhân sự DXS ngày càng "teo tóp". Đến ngày 30-9-2023, công ty này còn 2.249 nhân viên, giảm hơn 4.100 người so với cùng kỳ 2022.
Sau một năm, công ty được giới thiệu là "nhà phân phối bất động sản số 1" này đã thu hẹp gần 65% quy mô nhân sự. Con số phản ánh khó khăn lớn của DXS, bởi ngay thời điểm COVID-19 cuối năm 2020, số lượng nhân viên vẫn duy trì ngưỡng hơn 5.000 người.
Lãi trăm tỉ rơi xuống chục tỉ
Một doanh nghiệp địa ốc khác cũng có lợi nhuận "rơi" từ vài trăm tỉ đồng về vỏn vẹn hơn chục tỉ đồng là Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (mã chứng khoán: SGR).
Báo cáo tài chính quý 3-2023 vừa ra cho thấy kỳ này lợi nhuận sau thuế của SGR giảm 90% so với quý 3-2022, chỉ đạt 18,6 tỉ đồng.
Doanh thu thuần trong quý này SGR cũng chỉ đạt hơn 18 tỉ đồng, lợi nhuận gộp hơn 4,46 tỉ đồng. Lãi có được một phần nhờ khoản doanh thu hoạt động tài chính với hơn 5,1 tỉ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của SGR đạt 47 tỉ đồng, giảm gần 92% so với cùng kỳ. Điểm gỡ lại là khoản doanh thu hoạt động tài chính tăng, đạt gần 55 tỉ đồng. Bởi vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn đạt hơn 49 tỉ đồng, giảm 76%.
Theo giải thích của ban lãnh đạo SGR, doanh thu thuần giảm do giảm doanh thu dự án tại công ty mẹ.
Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) cũng đã có báo cáo tài chính quý 3-2023. Kỳ này, doanh thu của Hải Phát Invest đạt 301 tỉ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ. Còn lãi sau thuế là 4,3 tỉ đồng, giảm 95% so với mức gần trăm tỉ đồng năm trước.
Lũy kế 9 tháng, Hải Phát Invest vẫn đạt hơn 1.196 tỉ đồng doanh thu nhưng báo lãi sau thuế chỉ còn 61 tỉ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ.
Trong tài liệu gửi cổ đông hồi cuối tháng 9 năm nay, lãnh đạo Hải Phát cho biết đang gặp khó về dòng tiền. Năm 2023 công ty khó tiếp cận được các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, không phát hành được trái phiếu và đến hiện tại vẫn còn nợ một số khoản.
Trong các khoản vay của Hải Phát Invest, hiện chủ yếu vẫn là trái phiếu. Ngoài ra, còn ghi nhận một số khoản vay khác như: Hợp đồng vay vốn 50 tỉ đồng ngày 10-11-2022 với Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex với lãi suất 16%/năm, mục đích nhằm sản xuất kinh doanh, hay hợp đồng vay vốn các cá nhân với lãi suất 11-15%/năm.
Về thu nhập lãnh đạo, trong 9 tháng đầu năm nay, Chủ tịch hội đồng quản trị Đỗ Quý Hải là người nhận thu nhập cao nhất công ty với 1,8 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Vị trí thành viên hội đồng quản trị kiêm chủ tịch ủy ban chiến lược có thu nhập cao thứ hai với 1,08 tỉ đồng, tăng 25%. Còn tổng giám đốc được nhận 1,53 tỉ đồng, giảm gần 15%...
Dù thị trường sụt giảm nhưng dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản vẫn tăng từ đầu năm đến nay và đã xấp xỉ 1 triệu tỉ đồng.