vĐồng tin tức tài chính 365

Stéphanie Đỗ: Việt Nam ở trong tim tôi

2023-10-29 14:52
Vợ chồng Stéphanie Đỗ và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa)

Vợ chồng Stéphanie Đỗ và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa)

Vài lời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phác họa chân dung của Stéphanie Đỗ - người phụ nữ châu Á đầu tiên, người phụ nữ gốc Việt đầu tiên là đại biểu Quốc hội Pháp.

Chị vừa về Hà Nội ra mắt cuốn sách kể về hành trình dấn thân vào con đường chính trị của mình có tên Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên (NXB Khoa Học Xã Hội, Omega Plus), những mong câu chuyện của mình sẽ khích lệ tất cả những ai, đặc biệt là cộng đồng gốc Á tại Pháp, muốn dấn thân vào con đường chính trị mà lâu nay họ khá dè dặt.

Khác với hình dung thông thường về một nữ nghị sĩ, Stéphanie Đỗ tiêu biểu cho hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam: mảnh mai, xinh đẹp, thông minh, thân thiện và đặc biệt chị ăn nói rất duyên dáng, cuốn hút với giọng miền Nam ngọt ngào.

Chị dành cho Tuổi Trẻ cuộc đối thoại cởi mở.

Từ cô bé nhập cư đến nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên

* Chị nói mình chưa bao giờ nghĩ về chính trị trước đây, nhưng rồi chị đã bất ngờ dấn thân vào chính trị và rất thành công. Bước ngoặt này là hoàn toàn tình cờ hay trong máu của chị đã có sẵn tinh thần cống hiến cho cộng đồng như gia đình của chị?

- Tôi nghĩ trong dòng máu của tôi, từ ông cố nội tới ông nội, tới thế hệ tôi chắc đã có sẵn tinh thần cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước. Đặc biệt là cố nội Đỗ Quang Đẩu của tôi.

Stéphanie Đỗ trên con đường mang tên ông cố nội Đỗ Quang Đẩu của chị ởquận 1, TP.HCM tháng 8-2023

Stéphanie Đỗ trên con đường mang tên ông cố nội Đỗ Quang Đẩu của chị ởquận 1, TP.HCM tháng 8-2023

Cụ là một nhà văn dạy học và dấn thân hồi đầu thế kỷ 20. 

Cụ đã đóng góp trong một nhóm làm việc nhằm cải thiện chữ Việt Nam hiện đại lúc bấy giờ mới chỉ là chữ Quốc ngữ sơ khai được xây dựng từ bảng chữ cái Latin.

Với những cống hiến của mình cho cộng đồng, cụ được trao tặng Bắc đẩu bội tinh. Cạnh chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM ngày nay vẫn còn con đường mang tên cụ.

Thuở nhỏ khi mới sang Pháp, gia đình tôi chịu nhiều vất vả về kinh tế như các gia đình nhập cư khác nên tôi chỉ nghĩ phải học giỏi để lớn lên kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ.

Tuy vậy, ngay từ lúc đó tôi đã rất tích cực tham gia các hội làm công tác xã hội, gây quỹ trao học bổng cho các trẻ em nghèo hiếu học ở Việt Nam.

Cũng chính ở các hội này, năm 16 tuổi tôi đã gặp người bạn trai đầu tiên, cũng là người gốc Việt, sau này trở thành chồng tôi.

* Con đường từ một nhà tư vấn có "sự nghiệp sáng chói trong lĩnh vực tư nhân" (chữ dùng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron) đến một nữ nghị sĩ Quốc hội Pháp gốc Việt đầu tiên của chị thật ấn tượng. Hành trình ấy đã diễn ra thế nào?

- Khi đã có sự thành công nhất định trong khối tư nhân, là người rất ham hiểu biết và yêu thích thử thách bản thân, tôi nghĩ đã đến lúc để mở rộng tầm nhìn.

Tôi muốn khám phá thế giới của khu vực công. Tôi đi học lấy bằng thạc sĩ thứ hai về quản lý công của Đại học Paris-Dauphine hợp tác với Trường Hành chính quốc gia. Đây là ngôi trường đào tạo rất nhiều chính trị gia nổi tiếng.

Học những điều mới mẻ ở ngôi trường này, tôi phát hiện mình có mối quan tâm nhất định dành cho chính trị. Sau khi tốt nghiệp, tôi gia nhập Bộ Kinh tế và Tài chính mà lúc đó ông Emmanuel Macron làm bộ trưởng.

Sau đó ông từ chức thành lập Phong trào Tiến bước (chưa phải một đảng phái) vào tháng 4-2016. Tò mò về ông, tôi đã tham dự cuộc họp đầu tiên của phong trào này và lập tức bị mê hoặc bởi kế hoạch mà ông Macron dự định mang tới cho đất nước.

Tôi đăng ký làm tình nguyện viên cho phong trào này. Tháng 11-2016, phong trào này kêu gọi ứng cử viên tham gia theo từng tỉnh, tôi liền gửi hồ sơ với ý nghĩ đã đến lúc tôi cống hiến cho nước Pháp và được ông Macron chọn vào vị trí tư vấn giám sát tỉnh Seine-et-Marne.

Tôi đến gõ cửa từng nhà dân trong tỉnh để thu thập thông tin và tôi đã làm việc này một cách rất say mê và tràn đầy hứng khởi. Tính tôi vui vẻ và rất thích xã giao. Khi tôi gõ cửa, người dân rất ngạc nhiên khi thấy một người phụ nữ châu Á nhỏ bé nói chuyện chính trị.

Ban đầu tôi chỉ có một mình nhưng sau vài tuần gõ cửa từng nhà, tôi đã đến thẳng chợ để tiếp xúc với họ, từ đó mở ra các ủy ban địa phương.

Không phải chỉ hai tiếng mỗi tuần như yêu cầu mà tất cả các buổi chiều tối tan sở và cuối tuần tôi sẵn sàng đến những ngõ ngách xa xôi nhất trong tỉnh rộng lớn này để giành niềm tin của từng ngôi làng nhỏ bé nhất.

Chúng tôi làm việc quên mình suốt cả năm trời để đưa Emmanuel Macron trở thành ứng cử viên chính thức của cuộc bầu cử tổng thống rồi trở thành người chiến thắng.

Ngay sau chiến thắng của ông Macron là cuộc bầu cử Quốc hội, tổng thống kêu gọi ứng cử viên nữ. Tôi được các nhà hoạt động khích lệ ra tranh cử.

Tôi tham gia trận chiến cam go khi các đối thủ của tôi gồm một người là cựu bộ trưởng, xuất thân Đảng Xã hội, một người là luật sư, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa.

Một tuần liền trước cuộc bầu cử, tôi hầu như không hề ngủ. Khi cuộc bầu cử kết thúc, nhận kết quả chiến thắng, đầu tôi "tắt" hoàn toàn trong 24 giờ, tôi đã ngủ liền một ngày.

Phẩm chất mạnh mẽ trong một dáng vẻ phong nhã, dễ thương của người phụ nữ Việt trong tôi đã giúp tôi chiến thắng trong tình cảnh ngặt nghèo.
Stéphanie Đỗ

Phẩm chất phụ nữ Việt đã giúp tôi chiến thắng

* Là phụ nữ, gốc Á, dân nhập cư, chưa có kinh nghiệm chính trường trước đó, chị dường như hội tụ đầy đủ những lý do để thất bại, nhưng chị lại "đánh bại mọi dự đoán". Chị có nghĩ chính điểm bất lợi là phụ nữ gốc Việt đã trở thành lợi thế của chị?

- Làm chính trị ở nước Pháp rất khó khăn cho chính người Pháp. Tôi còn là dân gốc Á nhập cư. Nhưng có lẽ đúng như bạn nói, phẩm chất mạnh mẽ trong một dáng vẻ phong nhã, dễ thương của người phụ nữ Việt trong tôi đã giúp tôi chiến thắng trong tình cảnh ngặt nghèo.

Stéphanie Đỗ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tháng 8-2023 - Ảnh: NGÔ TẤN ĐẠI

Stéphanie Đỗ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tháng 8-2023 - Ảnh: NGÔ TẤN ĐẠI

Khi vào Quốc hội, có mình tôi là gốc Á. Khi tôi bước vào thì phản ứng đầu tiên của mọi người là đổ dồn nhìn tôi thốt lên: "Trời ơi đẹp quá!". Tôi là người vui vẻ. Khi làm việc cùng, họ thấy tôi rất tích cực, giỏi nữa (cười).

* Bí quyết thành công của chị, ngoài việc từ nhỏ tới giờ chỉ ngủ 5 giờ mỗi ngày, còn những gì nữa?

- Khi mới qua Pháp, tôi không biết tiếng Pháp. Tôi quyết tâm học hành vì nghĩ đó là con đường duy nhất để giúp gia đình mình thoát khỏi cảnh nghèo khổ lúc đó.

Đêm đêm tôi vật lộn tra từ điển học tiếng Pháp, làm bài tập và hiếm khi lên giường ngủ trước 2h - 3h sáng. Khi đi làm, tôi làm việc như điên bởi ở trong môi trường mà ai cũng giỏi thì sự khác biệt nằm ở khả năng cống hiến và hy sinh cuộc sống riêng.

Nhưng ngược lại tôi có đam mê chơi thể thao, thích gặp gỡ trò chuyện với bạn bè, khi quá căng thẳng tôi chơi đàn. Nói chung tôi luôn giữ tinh thần vui vẻ. Tôi còn có gia đình luôn yêu thương, ủng hộ hết lòng. Lúc nhỏ thì có ba tôi, lớn lên có chồng tôi, hai người đàn ông luôn hỗ trợ tôi hết sức.

* Tổng thống Emmanuel Macron nói nước Pháp đã mang tới nhiều cơ hội cho chị nhưng chị đã đền đáp cho nước Pháp gấp trăm lần. Chị nghĩ sao về nhận xét này?

- Khi đọc những lời ông viết cho tôi làm lời giới thiệu cho cuốn sách đầu tay của mình, tôi khóc luôn, rất cảm động. Không ngờ ông hiểu rõ về tôi, về sự cống hiến của tôi đến vậy. Ông đã ghi nhận những nỗ lực tăng cường quan hệ Pháp - Việt Nam trong vai trò chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt tại Quốc hội Pháp của tôi và ra sức bảo vệ công dân Pháp trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Hồi đó dịch bệnh ở Pháp rất đáng sợ, không ai dám vô Quốc hội làm việc, nhưng tôi là một trong những người tự nguyện vẫn vào Quốc hội làm việc hằng ngày. Lúc đó tôi đang có con nhỏ. Và rất nhiều những nỗ lực xây dựng các bộ luật tiến bộ trong nhiệm kỳ năm năm (2017 - 2022) của tôi.

Khi đi làm, tôi làm việc như điên bởi ở trong môi trường mà ai cũng giỏi thì sự khác biệt nằm ở khả năng cống hiến và hy sinh cuộc sống riêng.
Stéphanie Đỗ

Làm gì để cống hiến cho đất nước tôi đều nỗ lực hết mình

* Chị sẽ tiếp tục ứng cử nghị sĩ Quốc hội chứ?

- Sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022, tôi trở lại làm việc trong Bộ Kinh tế và Tài chính. Tôi cho mình nghỉ mệt chút rồi đi ra tiếp. Tôi đang chuẩn bị để ba năm sau ra tái ứng cử nghị sĩ Quốc hội.

Stéphanie Đỗ giao lưu với độc giả trong buổi ra mắt sách ở Hà Nội ngày 20-10 - Ảnh: T.Điểu

Stéphanie Đỗ giao lưu với độc giả trong buổi ra mắt sách ở Hà Nội ngày 20-10 - Ảnh: T.Điểu

* Chị nói tiếng Việt rất giỏi và tiếp tục dạy tiếng Việt cho con gái. Quê hương Việt Nam rất sâu đậm trong chị?

- Khi tôi sang Pháp lúc 11 tuổi, tôi nhớ Việt Nam vô cùng. Tôi đọc báo tiếng Việt, coi phim... để vơi bớt nỗi nhớ quê hương và cũng là để tiếp tục học tiếng Việt. Con gái 5 tuổi của tôi khi được về thăm Việt Nam thì cháu mê Việt Nam lắm, thích nói tiếng Việt hơn trước và còn thích ăn bằng đũa theo mẹ.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi về lại thăm Việt Nam, trời ơi tôi không sao nói hết niềm hạnh phúc của tôi lúc đó. Năm đó là 2006, tôi về cùng chồng sắp cưới. Chúng tôi quyết định phải chụp ảnh cưới ở Việt Nam. Ngoài niềm hạnh phúc riêng, tôi có niềm vui khôn tả khi thấy đất nước đổi thay, giàu đẹp lên rất nhiều.

Kể từ năm đó, mỗi năm tôi đều về Việt Nam. Khi làm nghị sĩ, tôi còn về Việt Nam trong các chuyến công tác. Làm gì để cống hiến cho đất nước tôi đều nỗ lực hết mình. Việt Nam trong máu, trong tim tôi rồi.

* Chị có thấy chị là một người rất tích cực, nhiều năng lượng?

- Người ta nói về tôi như vậy đó. Có lẽ tôi thừa hưởng sự tích cực, tràn đầy nhiệt huyết từ mẹ tôi, một phụ nữ gốc Hà Nội rất giỏi kinh doanh buôn bán, thích xã giao, trò chuyện, thích hoạt động chứ không chịu ngồi yên một chỗ. Cộng thêm gene từ bên nội là một gia đình trí thức nhiều đời.

* Người ta thấy chị viên mãn mọi bề quá, được cả sự nghiệp lẫn hạnh phúc riêng. Chị được cho quá nhiều ư?

- Tôi cũng cống hiến rất nhiều mà (cười). Trước hết tôi là người dễ thương nên người ta mới thương tôi. Tôi sống rất đơn giản, không đòi hỏi chi nhiều, chỉ có một tinh thần cống hiến và can đảm nữa (cười).

Tôi mê áo dài lắm

* Chị hay xuất hiện với một chiếc áo dài, hẳn chị rất yêu tà áo quê hương?

- Tôi mê áo dài lắm. Khi người phụ nữ Việt Nam mặc trên mình chiếc áo dài thì trở nên đẹp tuyệt vời, khoe được hết những nét đẹp hình thể cũng như phẩm chất của phụ nữ Việt. Tôi thích mặc áo dài trong các sự kiện còn vì như một sự khẳng định và tự hào về nguồn gốc Việt của mình. Tôi hãnh diện vì mình là phụ nữ Việt Nam.

Một phụ nữ gốc Việt được chọn làm phi công quốc gia của Hàn QuốcMột phụ nữ gốc Việt được chọn làm phi công quốc gia của Hàn Quốc

Chị Lee Ho-jeong, 41 tuổi, được chọn làm phi công quốc gia của Hàn Quốc trong số 2.678 người đăng ký, sau nhiều vòng tuyển chọn gắt gao.

Xem thêm: mth.91375118092013202-iot-mit-gnort-o-man-teiv-od-einahpets/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Stéphanie Đỗ: Việt Nam ở trong tim tôi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools