Theo số liệu thống kê cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng của Việt Nam trong tháng 9 đạt 1,21 tỷ USD, không có sự thay đổi so với tháng trước đó nhưng tăng mạnh 25,5% so với tháng 9/2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Việt Nam thu về từ nhóm hàng này 10,28 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trong 10 nhóm hàng hóa xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng vừa qua thì chỉ có nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng có mức tăng trưởng hai con số, tăng 1,47 tỉ USD. Đây cũng là lần đầu tiên giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này vượt mốc 10 tỉ USD trong vòng 9 tháng.
Các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam là những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức…
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 9, nước ta xuất khẩu hơn 250,8 triệu USD, tăng 16,9% so với tháng 9/2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Nhật Bản chi ra 2,14 tỷ USD để nhập khẩu nhóm hàng này, tăng 17,38% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường này chiếm 20,85% tổng lượng xuất khẩu nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng trong 9T/2023 của Việt Nam.
Xếp vị trí thứ 2 là Mỹ, trong tháng 9, nước này nhập khẩu 242,12 triệu USD, tăng 44% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 2,07 tỷ USD, tăng 3,66% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ chiếm tỷ trọng là 20,19%.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 nhóm hàng này. Trong tháng 9, Việt Nam thu về 146,4 triệu USD, tăng mạnh 115,5% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này hơn 953,5 triệu USD, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 9,28%.
Ngoài 3 thị trường chính, nhiều thị trường cũng ghi nhận mức tăng trưởng đột biến trong 9 tháng đầu năm như Nauy (1.019%), Myanma (498%), Ả Rập Xê Út (350%), Nam Phi (282%),... Điều này cho thấy các hãng công nghệ và ô tô trên thế giới tăng cường tìm chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng ở nền kinh tế gần 100 triệu dân.
Theo giới quan sát kết quả này một phần cũng nhờ tác động của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, tìm nhà cung cấp linh kiện thay thế nhằm giảm sự phụ thuộc vào “công xưởng” sản xuất của thế giới là Trung Quốc.
Đây được xem là cơ hội lớn cho các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được chú ý nhiều. Từ đó, các đơn hàng linh kiện, phụ tùng ô tô đã dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với những đơn hàng mà các doanh nghiệp trong nước đang sản xuất và cung cấp hoặc xuất khẩu.
Những linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam xuất khẩu những năm gần đây có công nghệ tương đối cao như bộ dây đánh lửa, phụ tùng trong hộp số, túi khí an toàn, linh kiện điện tử trong hộp số,…
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng chọn Việt Nam làm điểm sản xuất để xuất khẩu đi toàn cầu từ Nhật Bản, Đài Loan,... Đồng thời, Việt Nam cũng thu hút được các nhà cung cấp phụ tùng ô tô của các nước khác như Đức, Hàn Quốc,...
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng, đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp thuần Việt chủ yếu sản xuất những sản phẩm và linh kiện đơn giản, công nghệ chưa cao và giá trị còn thấp, gặp khó khăn trong việc trở thành nhà cung ứng sản xuất và cung ứng linh kiện gốc.