Từ ga tàu điện Saphan Taksin, du khách chỉ mất vài phút đi bộ xuống bến tàu thủy Sathorn, nơi họ có thể đi tàu miễn phí đến hai khu mua sắm sầm uất bên bờ sông là chợ đêm Asiatique Riverfront hoặc trung tâm thương mại IconSiam. Với không ít người Việt, đó là lựa chọn quen thuộc ở Bangkok về đêm.
"Hầu như lần nào đến Bangkok tôi cũng dành một đêm bắt tàu miễn phí ở Sathorn để ngồi trên sông ngắm cảnh đến Asiatique uống bia. Gần đây, tôi chuyển qua tàu đi IconSiam vì có nhạc nước và nhiều nơi mua sắm, giải trí hơn", Vân Võ, một quản lý 33 tuổi thường xuyên đến Bangkok cho hay.
Con sông có tàu miễn phí cứ mỗi 10-20 phút mỗi chuyến này là Chao Phraya, bắt nguồn từ hợp lưu sông Ping và Naan tại tỉnh Nakhon Sawan. Kéo dài 372 km, nó chảy qua 11 địa phương (gồm thủ đô) và đổ vào Vịnh Thái Lan.
Cung cấp nguồn lợi thủy sản và phát triển nông nghiệp cho các tỉnh thượng nguồn, Chao Phraya chảy về Bangkok với vai trò lớn hơn về vận tải và đặc biệt là dịch vụ du lịch. Kinh tế dịch vụ ven sông hình thành, nhờ sự đa dạng của hệ thống hạ tầng giao thông, điểm đến và ý tưởng dịch vụ.
Về điểm đến, một hệ sinh thái đông đảo các khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm hai bên bờ sông, xen kẽ với các điểm tham quan nổi tiếng như chùa Wat Arun, Wat Rakhang Kositaram, cung điện hoàng gia Grand Palace.
"Điểm nổi bật của du lịch Bangkok là cảnh đêm dọc theo sông Chao Phraya, với các tòa nhà dọc bờ sông, các ngôi đền và cây cầu đều được thắp sáng", Poowadee Kunpalin, CEO Chaophraya Cruise, công ty du thuyền nói với Bangkok Post.
Để đến thăm đền chùa, khu mua sắm ven sông, có nhiều lựa chọn phương tiện giao thủy. Sáu loại thuyền được vận hành gồm taxi sông, thuyền đuôi dài, phà qua sông, thuyền loại nhỏ, thuyền du lịch tư nhân và thuyền đưa đón của khách sạn.
Riêng taxi sông cũng có 5 loại khác nhau, từ không gắn cờ (dừng mọi bến) đến 4 màu cờ gồm xanh dương (dừng khi yêu cầu), xanh lá (tốc hành cho du khách), vàng (tốc hành cỡ lớn cho du khách) và cam (dừng ở bến chính). Lực lượng này đáp ứng nhiều phân khúc và sở thích hành khách.
Cùng với thuyền, hệ thống bến khách có 10 địa điểm chính ở Bangkok và lân cận được khai thác. Hồi tháng 8, Cục Hàng hải Thái Lan cho hay đang đẩy nhanh việc phát triển các bến tàu chở khách dọc theo sông Chao Phraya, lên 29 bến. Cơ quan này đặt mục tiêu hàng năm xây 3-4 bến mới theo mô hình thông minh, có tính năng hướng dẫn lộ trình, phòng vệ sinh thông minh - tiết kiệm nước, trạm sạc điện thoại di động và Wi-Fi miễn phí.
Hạ tầng khách sạn, đền chùa, khách sạn ven sông kết hợp với sản phẩm du lịch trên sông cùng cộng hưởng mang lại nguồn thu. Không chỉ là nơi tổ chức lễ Loy Kratong, đón năm mới, hay trình diễn nhạc nước, các nhà điều hành du thuyền cũng liên tục tìm cách nghĩ ra sản phẩm mới.
Có hơn 10 nhà khai thác du lịch trên sông ở Bangkok. Phraya Princess Dinner Cruise là một trong số đó, chứng kiến du khách quay lại sau Covid-19 và lượng đặt chỗ đang tăng lên. Gần đây, họ mở gói du thuyền ăn tối ngắm hoàng hôn và ghi nhận chi tiêu tăng, theo Chatree Wangpanitkul, CEO công ty.
Không những vậy, khi thấy khách Ấn Độ ngày một đông, họ nghĩ ra những sản phẩm phục vụ riêng nhóm này. "Ấn Độ thật sự là thị trường rất lớn. Chúng tôi có những chiếc du thuyền thích hợp với nhu cầu về giải trí ăn uống và văn hóa của nhóm khách hàng này", ông cho hay.
Thậm chí, du lịch trên sông dần phổ biến với khách nội địa, do ngày càng nhiều người Thái tìm những trải nghiệm tại chỗ trong thành phố mà không cần đi nước ngoài. Tại Chaophraya Cruise, khách nội chiếm 30% thay vì 10% như trước dịch.
Ngoài ra, yếu tố thành công khác đến từ sự chuyên nghiệp của dịch vụ du lịch ở Thái Lan. Đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa công và tư, theo ông Wilfred Fan, Tổng giám đốc Thương mại Klook, nền tảng bán dịch vụ và tour tuyến trong đó có những sản phẩm tham quan chợ nổi, vé du thuyền.
Ông nói họ được hỗ trợ từ Tổng cục Du lịch Thái Lan để tiếp cận nhiều doanh nghiệp địa phương, hợp tác triển khai chiến dịch khuyến mãi. "Các doanh nghiệp du lịch Thái Lan sở hữu nhiều điểm mạnh, và khi kết hợp công nghệ cùng cơ sở hạ tầng phù hợp, mọi thứ dần trở nên hoàn thiện hơn", ông nói.
Theo nghiên cứu "GDP và giá trị kinh tế về tài nguyên nước của các lưu vực sông ở Thái Lan" năm 2020 của Đại học Chulalongkorn, dịch vụ chính là nguồn thu nhập lớn nhất của con sông, tạo ra đến 2.924 baht trên một đơn vị m3 nước.
Trong khi đó, một m3 nước ở đây chỉ mang về 1.744 baht giá trị sản xuất và 5,2 baht giá trị nông nghiệp. Cũng theo nghiên cứu này, lưu vực hạ nguồn sông Chao Phraya có 4.925 triệu m3 nước chảy qua hàng năm.
Theo các chuyên gia, ngành dịch vụ phát triển ở Chao Phraya có thể là tham khảo cho đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP HCM" mà UBND thành phố vừa cho triển khai đầu tháng 10. Theo đó, sở Quy hoạch - Kiến trúc là cơ quan nhận nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện.
Số liệu của Sở Giao thông - Vận tải TP HCM cho biết trong 11 tháng năm ngoái, lượt khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm đường thủy của thành phố chỉ bằng 1,14% trên tổng lượng khách đến đây.
Theo mục tiêu, địa phương muốn doanh thu du lịch đường thủy 2023 và 2024 đạt 300 tỷ đồng mỗi năm và tăng khoảng 10% những năm tiếp theo. Đến 2025, sẽ có khoảng 10 chương trình du lịch, kết nối từ cảng biển với các tuyến đường sông.
Gần đây, một số chuyển động liên quan đã diễn ra. Hồi tháng 8, Lễ hội sông nước lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn. Mới đây, trong ý tưởng thiết kế bờ Đông sông Sài Gòn của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Vân Võ chú ý chiếc đu quay cỡ lớn đặt ở khu vực nóc hầm Thủ Thiêm.
"Ý tưởng này kinh điển và hợp lý cho cảnh quan bờ sông, làm tôi nhớ đến đu quay Asiatique Sky ở khu Asiatique (Bangkok). Tôi cũng từng đi tàu bus đêm sông Sài Gòn, ngắm cảnh bờ quận 1 và Bình Thạnh rất đẹp nhưng chỉ đoạn ngắn ngắm cảnh chứ không có điểm đến vui chơi mua sắm thú vị trên tuyến", cô nhận xét.
Ngoài đu quay, tàu bus, tàu nhà hàng ăn tối hay du thuyền nhỏ hạng sang, sông Sài Gòn có lẽ cần thêm điểm nhấn, ý tưởng hơn. Ethan Lin, Nhà đồng sáng lập, CEO Klook, khuyến nghị nên cân nhắc đến sự khác biệt về nguồn lực có sẵn.
Theo ông, sông Hồng (Hà Nội) không chỉ có cảnh quan đẹp mà còn nhiều hoạt động thú vị. Sông Hồng cũng đủ lớn cho các dịch vụ du thuyền ngắm cảnh như sông Chao Phraya, nhưng sông Sài Gòn là khác. Ở khu vực trung tâm, một bên sông Sài Gòn rất nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, bên còn lại vẫn vắng vẻ về đêm. Thế nên vẫn chưa phù hợp cho dịch vụ du thuyền ngắm cảnh, theo Ethan
"Mỗi thị trường đều độc nhất. Dù vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm về cách vận hành, quảng bá cũng như các chương trình khuyến mãi", ông nói. Theo đó, về cốt lõi, người triển khai cần thực sự hiểu về thành phố, những giá trị mà chỉ nó sở hữu để có thể quảng bá.
Với dòng sông, nếu muốn khai thác du lịch thì cần nắm rõ nó có thể mang đến nguồn cảm hứng nào cho du khách. Là phong cảnh tuyệt vời ven sông hay chương trình biểu diễn ánh sáng? Bắt đầu từ đó mới có thể thiết kế kế hoạch phù hợp.
Còn theo Wilfred Fan, nếu muốn phát triển một khu vực nào đó như sông nước hay kênh rạch phải tìm hiểu thật kỹ về nơi đó, như các địa điểm tham quan kinh điển, trải nghiệm mới mẻ và phương tiện di chuyển.
Với sông Sài Gòn, hàng loạt câu hỏi nên được đặt ra và trả lời: Khách sẽ đến bằng cách nào? Bên cạnh lịch trình tham quan hằng ngày, còn có điều gì khác đáng trải nghiệm? Du khách sẽ cần thêm thông tin về ẩm thực địa phương, gợi ý ăn uống và mua sắm. Họ muốn mua sắm, nhưng họ nên mua gì?
"Sau khi thấu hiểu những yếu tố cần thiết, chúng ta có thể kết hợp và thiết kế dịch vụ cung cấp. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần tất cả những yếu tố này - chỉ một vài là không đủ", ông Wilfred nói.
Phiên An