Giám sát chuyên đề thực hiện pháp luật hoàn thuế VAT với xuất khẩu được cơ quan thẩm tra của Quốc hội thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ cuối năm ngoái đến nay, các hiệp hội liên tục kêu cứu vì những bất hợp lý trong thực thi hoàn thuế VAT. Nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm các ngành như gỗ, giấy, cao su cho biết việc bị "giam" cả nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT trong thời gian dài khiến họ bị kiệt quệ, nguy cơ phá sản.
"Ngành thuế vừa qua đã quá nhấn mạnh các yếu tố rủi ro, xem nhẹ các yếu tố về lịch sử tuân thủ của người nộp thuế trong quản lý rủi ro. Điều này gây ách tắc dòng tiền hoàn thuế, ảnh hưởng đến nguồn lực của doanh nghiệp và rủi ro cho cán bộ trực tiếp giải quyết hoàn thuế", Ủy ban Tài chính ngân sách nêu trong báo cáo vừa gửi Quốc hội.
Theo cơ quan của Quốc hội, việc đánh giá rủi ro, phân loại hồ sơ để giải quyết hoàn thuế mang tính định tính, ít nhiều phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cán bộ trực tiếp giải quyết hoàn thuế, theo đánh giá của cơ quan thẩm tra Quốc hội. Việc phân loại hồ sơ hoàn thuế, chọn doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch thanh tra sau hoàn thuế được các cục thuế thực hiện theo cách thủ công, trên cơ sở phân tích thông tin sẵn có, chứ chưa ứng dụng công nghệ để phân loại tự động hồ sơ hoàn thuế.
Trong khi đó, các văn bản chỉ đạo của ngành thuế để đẩy mạnh quản lý chống gian lận thuế VAT, xác minh cung ứng hàng hóa, dịch vụ đầu vào và đầu ra các lĩnh vực gỗ dăm, viên nén, gỗ thành phẩm, tinh bột sắn, linh kiện điện, điện tử... lại được ban hành nhiều, khoảng 27 văn bản trong 3 năm.
Ủy ban Tài chính ngân sách nhận xét, các văn bản này đã chỉ đạo một cách không rõ ràng việc phân loại hồ sơ hoàn thuế VAT nào cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xác minh. Điều này dẫn tới cách hiểu khác nhau tại các cục thuế địa phương, là toàn bộ hồ sơ của doanh nghiệp trong các lĩnh vực được cảnh báo đều cần rà soát.
Trong cùng thời gian, một số công ty tại Hà Nội, TP HCM bị dừng hoàn thuế để kiểm tra, xác minh, nhưng nhiều công ty xuất khẩu khác có chung khách hàng Trung Quốc được cục thuế địa phương giải quyết hoàn thuế khi họ cam kết bị truy thu nếu phát hiện đề nghị hoàn sai.
"Việc yêu cầu xác minh tới khâu cuối cùng là thu mua từ người dân hoặc người nhập khẩu ở nước ngoài là gánh nặng, khó thực hiện trong thời hạn 40 ngày theo quy định", Ủy ban Tài chính ngân sách đánh giá. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều doanh nghiệp (gỗ, cao su) phải chờ đợi rất lâu nhưng chưa được hoàn thuế, thậm chí có đơn vị 3 năm chưa được hoàn.
Theo số liệu thống kê của ngành thuế, nửa đầu năm 2023, số hồ sơ giải quyết hoàn thuế trong lĩnh vực gỗ, sản phẩm gỗ đạt 85%, giảm khoảng 5% so với thời gian trước. Tỷ lệ hoàn thuế trước trong lĩnh vực cao su nửa đầu năm nay giảm 36-38% so với giai đoạn trước. Số tồn chưa giải quyết hoàn là 48 hồ sơ, chiếm 34% tổng hồ sơ doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế. Tương tự, số hồ sơ hoàn thuế trước trong lĩnh vực linh kiện điện, điện tử cũng giảm gần một nửa so với 2019-2021, chỉ đạt 59%; có 38 hồ sơ tồn đọng.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho hay, số liệu trên có thể chưa chính xác. Có trường hợp doanh nghiệp được ngành thuế khuyến nghị rút hồ sơ hoàn hoặc không gửi đề nghị hoàn tiếp khi hồ sơ trước đó chưa được thực hiện. Thực tế này khiến Ủy ban Tài chính ngân sách đặt hai câu hỏi về chất lượng công tác hoàn thuế và tính phù hợp của các văn bản cảnh báo rủi ro ngành thuế.
Bởi, ở góc độ cơ quan quản lý thuế địa phương, thực hiện nghiệp vụ theo hướng dẫn này thì vi phạm quy định về thời gian giải quyết hoàn thuế, quản lý rủi ro. Còn nếu không thực hiện theo hướng dẫn, họ lại gặp rủi ro phải giải trình với các cơ quan chức năng.
"Các văn bản hướng dẫn của ngành thuế là nỗ lực trong chống gian lận hóa đơn, hoàn thuế VAT, nhưng nghiệp vụ thủ công, sự chồng chéo cùng việc thiếu tiêu chí, phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động, đã gây ách tắc lớn cho doanh nghiệp", Ủy ban Tài chính ngân sách nhận xét.
Ngoài ra, nhiều quy định pháp luật hiện nay cũng gây vướng cho ngành thuế khi thực hiện xác minh, hoàn thuế. Chẳng hạn, theo luật Thuế giá trị gia tăng, xuất khẩu sản phẩm là hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành không được hoàn thuế VAT.
Quy định này khiến các cục thuế địa phương gặp vướng mắc khi xác định sản phẩm xuất khẩu đã chế biến thành sản phẩm khác hay chưa chế biến, cũng như vướng khi xác định tỷ lệ 51%, nhất là với hàng xuất khẩu được mua bán qua nhiều khâu trung gian. Ở điểm này, Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí cần có phương án quy định phù hợp khi sửa luật, đảm bảo giải quyết vướng mắc phát sinh thực tế.
Khắc phục những bất cập trong hoàn thuế VAT, Ủy ban Tài chính ngân sách kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm có phương án sửa Luật Quản lý thuế, Luật VAT để khắc phục bất cập trong hoàn thuế.
Ngành thuế cũng cần xử lý dứt điểm hồ sơ đề nghị hoàn thuế tồn của một số ngành hàng xuất khẩu trước 31/12/2023, nhất là với các hồ sơ đã dừng hoàn trong thời gian dài, gây bức xúc cho doanh nghiệp. Cơ quan thuế cũng cần có trả lời dứt khoát cho doanh nghiệp về giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Anh Minh