Câu chuyện diễn ra cách trung tâm phố cổ Hội An không xa, khi đất đai nhà cửa dân kẹt trong vùng quy hoạch xây resort cao cấp.
Treo dự án, treo cả phận người
Sau những trận mưa lớn, khu xóm biển của những người lao động nghèo nằm ở rìa biển TP Hội An xơ xác và buồn bã hơn. Bà Trần Thị Nại một tay ôm chiếc xô nhựa đặt giữa nhà để hứng nước mưa, tay còn lại liên tục cầm giẻ ướt để lau những vũng nước.
Bà Nại nói bà cứ phải lau như vầy hàng chục năm qua, từ ngày còn mạnh khỏe. Tới nay bà đã 77 tuổi, nhưng chưa biết ngày nào ngôi nhà của mình được "cởi trói".
Hộ bà Nại là một trong nhiều gia đình ở vùng dự án xây dựng các khách sạn, khu du lịch lớn tại biển Cẩm An (TP Hội An). Những dự án có cách đây gần 20 năm, tới nay có dự án đang dang dở, có dự án vẫn nằm trên giấy.
Người dân trong diện bị thu hồi đất, ảnh hưởng nhà cửa từ dự án phải sống trong cảnh "đứng hình", không thể nhúc nhích hay xây dựng sửa sang nhà cửa.
Nhà bà Nại xuống cấp, mục tường. Căn nhà của ba bà ở bên cạnh cũng chịu cảnh trống trơn trước gió. Gian nhà của bà tường vá chằng chịt bằng tôn mỏng để ngăn mưa tạt nhưng cũng chẳng đủ ấm.
"Bao nhiêu đoàn cán bộ xuống đây đều thấy cảnh khốn khổ của nhà tôi. Nhiều người ứa nước mắt, nhưng họ cũng bất lực vì khả năng có hạn. Mấy chục năm nay gia đình tui muốn cơi nới, sửa sang nhà cửa cho ấm cúng để tránh mưa nắng nhưng không được. Chính quyền nói vùng này nằm trong quy hoạch làm khách sạn, resort du lịch" - bà Nại nói như khóc.
Gần đó, nhiều gia đình khác cũng đang mòn mỏi hàng chục năm qua. Có những gia đình nhà cửa vướng dự án khi con chưa sinh, tới nay con đã vào đại học mà nhà cửa vẫn không thể sửa sang.
Không biết phải chờ bao lâu nữa
Với chủ trương làm du lịch, hơn 20 năm qua tỉnh Quảng Nam đã đưa vào quy hoạch, thu hồi đất của những làng chài ven biển Hà My (Điện Bàn), Cẩm An (Hội An) để giao cho doanh nghiệp làm khách sạn, khu du lịch hạng sang. Người dân buộc phải nhường nhà cửa, đất đai nơi họ đã gắn bó lâu đời.
Hai dự án ảnh hưởng nhiều cư dân làng biển nhất ở Hội An là Lê Phan resort và khu du lịch Hội An Holiday Thái Bình Dương. Hơn 40.000m2 tỉnh Quảng Nam giao cho Lê Phan resort năm 2006 tới nay vẫn chưa xây dựng. Nhiều gia đình có đất ở đây dù vẫn ở trên nhà mình mà không thể làm gì được.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Lê Văn Biết nằm sát mặt biển, y như túp lều. Đó là nơi trú ngụ của 15 người gồm vợ chồng ông bà và con cháu. Gia đình ông ở bao đời nay, đến chừng năm 2005 được thông báo nhà trong diện bị ảnh hưởng bởi dự án khách sạn của Công ty Thái Bình Dương.
"Họ chỉ nói vậy chứ không có giấy tờ, văn bản gì. Lúc đầu thì họ đề nghị bồi thường nhưng giá thấp quá nên chúng tôi không thể đi đâu. Mấy chục năm nay, con cái lập gia đình nhưng nhà không thể cơi nới xây dựng gì. Khổ không tưởng tượng nổi!" - con trai ông Biết nói.
Kế nhà ông Biết, nhiều bà con làng biển cũng đang sống trong cảnh đi không được, ở lại thì không thể sửa sang nhà cửa, không thể xây dựng bất cứ công trình nào bởi vướng quy hoạch dự án.
Người dân đã chờ đợi mỏi mòn, sống khốn khổ hàng chục năm qua và hiện vẫn không nhìn thấy tương lai.
Sẽ tháo gỡ dần theo từng hộ
Ông Nguyễn Minh Lý - phó chủ tịch UBND TP Hội An - cho biết có hàng chục hộ dân trong khu vực biển Cẩm An đang vướng vào dự án resort, khách sạn ven biển. Người dân không chỉ khiếu nại ở địa phương mà còn ra tận cả các cơ quan cấp bộ, ngành.
Theo ông Lý, các dự án đã được quy hoạch có chồng lấn lên đất của dân. Các nhà đầu tư khi được giao thì năng lực yếu dẫn đến hàng chục năm qua vẫn không hoàn tất. Trong khi đó dân trong diện bị ảnh hưởng vẫn chưa thể di dời, tái định cư.
"Thành phố và tỉnh đang tìm mọi cách để tháo gỡ dần dần theo từng hộ. Chủ trương chung hiện nay là phải thu hẹp lại phạm vi các dự án, từ đó hạn chế tối đa diện tích thu hồi đất của các hộ dân", ông Lý nói.
20 năm quy hoạch treo, dự án khu phức hợp, trung tâm thương mại ở khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (khu Mả Lạng, quận 1, TP.HCM) vừa được UBND TP.HCM giao quận 1 xem xét thu hồi dự án.