Dự thảo sửa đổi nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu được cập nhật gần nhất đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến quản lý quỹ bình ổn. Việc đưa ra các quy định trong bối cảnh có tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng quỹ và cơ quan quản lý cảnh báo về vấn đề này.
Cụ thể, quỹ bình ổn xăng dầu vẫn được nằm ở doanh nghiệp và do thương nhân đầu mối quản lý trên cơ sở trích lập, hạch toán và theo dõi riêng bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.
Siết chặt quy định quản lý quỹ bình ổn
Tuy nhiên, điểm mới của dự thảo quy định, ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Định kỳ 6 tháng các thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán độc lập chuyên đề về quỹ bình ổn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương; báo cáo kiểm tra sản lượng, chủng loại xăng dầu thực hiện trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn.
Báo cáo kiểm toán chuyên đề về quỹ bình ổn xăng dầu bao gồm: Số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đầu kỳ báo cáo, tổng sản lượng, chủng loại xăng dầu được thực hiện trích lập, chi sử dụng trong kỳ báo cáo, tổng số tiền trích lập, tiền chi sử dụng quỹ, tiền lãi phát sinh trên số dư và số dư quỹ bình ổn, sao kê chi tiết tài khoản ngân hàng trong kỳ báo cáo…
Ngoài ra, định kỳ 15 hàng tháng, thương nhân cũng phải có trách nhiệm lập và gửi báo cáo về liên Bộ Công Thương - Tài chính tình hình thực hiện quỹ bình ổn. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu, thông tin báo cáo.
Với quy định liên quan đến nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, dự thảo cũng có nhiều điểm mới. Cụ thể, nguyên tắc điều hành được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội từng thời kỳ.
Hằng tuần điều hành giá vào thứ năm?
Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối được quyền quyết định giá bán buôn. Căn cứ tình hình thực tế để các thương nhân quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp nhưng không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Đối với địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối và xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá hiện hành, thương nhân đầu mối được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó để bù đắp chi phí nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố.
Đáng chú ý, thời gian điều hành giá xăng dầu được rút ngắn từ 10 ngày hiện nay và cố định vào thứ năm hàng tuần. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đưa ra các quy định điều hành trong trường hợp thứ năm trùng vào các ngày nghỉ lễ, Tết.
Cụ thể, trường hợp ngày thứ năm trùng vào ngày cuối cùng của năm âm lịch, việc điều hành giá xăng dầu thực hiện vào ngày thứ tư liền kề trước đó. Ngày thứ năm trùng vào ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết Nguyên đán, giá xăng dầu được điều chỉnh vào ngày mùng 4 Tết.
Nếu thời gian điều hành giá trùng với ngày đầu tiên nghỉ lễ thì thực hiện vào ngày thứ tư liền kề trước đó; trường hợp ngày điều hành rơi vào từ ngày nghỉ lễ thứ hai trở đi, thời gian điều hành sẽ thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau nghỉ lễ.
Nếu giá xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều hành giá cho phù hợp.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11-9, quỹ bình ổn đã được "xả" trở lại với mặt hàng xăng sau bảy tháng không chi. Tuy vậy, mức can thiệp với xăng còn nhỏ giọt, còn dầu vẫn không được hỗ trợ bất chấp giá dầu tiếp tục tăng mạnh.