Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) vừa có báo cáo tháng 10 gửi UBND TP HCM về "sức khỏe" của các doanh nghiệp thành viên.
Trong báo cáo, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, cho biết khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là đơn hàng sụt giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn, hàng tồn kho vượt ngoài dự kiến, ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh. Sự kết hợp giữa lực cầu suy yếu, lạm phát cao, gánh nặng nợ tạo nên khó khăn thực sự cho một số doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp công nghiệp trong một số ngành (vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, gỗ…) vẫn trong tình trạng khan hiếm đơn hàng; doanh nghiệp thuê đất hằng năm khu công nghiệp không được cấp giấy đất để vay vốn kinh doanh; các cơ sở xây trên các loại đất khác không thể làm thủ tục hoàn công, không được cấp phép PCCC... bị buộc dừng hoạt động.
Thị trường bất động sản khó khăn khiến nhiều dự án bị đình trệ. Ảnh: Tấn Thạnh
Doanh nghiệp thương mại cũng rất khó khăn do mãi lực thị trường yếu và thói quen tiêu dùng thông qua thương mại điện tử đã phá vỡ kênh kinh doanh truyền thống...
Đặc biệt, doanh nghiệp xây dựng, bất động sản hầu hết khó khăn do nợ nần chồng chất không thu hồi được nợ và khó có khả năng trả nợ trái phiếu. Sự đóng băng của thị trường bất động sản làm cho các doanh nghiệp xây dựng không có đơn hàng, kinh doanh đình đốn. Do không có vốn kinh doanh nên việc tiếp cận dự án đầu tư công là khó khả thi, kết quả là hàng loạt đơn vị xây dựng, bất động sản nhỏ lâm vào tình trạng phá sản.
Trước những khó khăn trên, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn nhà nước cần cải tiến, đổi mới nhiều hơn nữa để hỗ trợ kinh doanh, như: hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất; đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng; giảm các loại thuế, phí, BHXH, phí công đoàn; hạn chế hình sự hóa quan hệ dân sự và kinh tế; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và các tiện ích khác; nhanh chóng giải quyết các kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp.
Chủ tịch HUBA phân tích thêm các khó khăn của bất động sản đã tác động nặng nề tới hầu hết các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, vật liệu xây dựng, môi giới bất động sản... và làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách trong lĩnh vực đấu giá đất công, cho thuê đất công, thuế chuyển quyền sử dụng đất và thuế chuyển nhượng bất động sản.
Chính vì vậy, việc phục hồi thị trường bất động sản là nhu cầu cấp thiết, giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định kinh tế- xã hội và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. "Cộng đồng doanh nghiệp TP HCM đề nghị Thành phố có các chính sách hữu hiệu hỗ trợ sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian tới" - báo cáo nêu.