Đề nghị này được các đại biểu Quốc hội nêu khi thảo luận một số điều còn ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), sáng 31/10.
Quy định hiện nay không bắt buộc việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng. Việc này, theo các đại biểu, khiến xuất hiện tình trạng trốn thuế, phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong giao dịch.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng khi sửa luật lần này, Nhà nước cần đưa ra chính sách bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với giao dịch bất động sản.
"Cần thực hiện qua ngân hàng để đảm bảo mục tiêu phòng chống tham nhũng", ông nêu.
Ông Trịnh Xuân An (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh) cũng đồng tình với quy định này. Tức là giao dịch mua bán, chuyển nhượng hay cho thuê giữa các cá nhân nhưng có tính chất kinh doanh cũng bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, không riêng giao dịch giữa doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án với người mua.
Giải trình sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, rà soát kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các chính sách lớn liên quan đến bất động sản, kinh doanh bất động sản, cũng như quyền, nghĩa vụ các bên liên quan và quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Riêng với thanh toán trong bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai, dự thảo luật đưa ra hai phương án. Phương án 1, bên bán chỉ được thu tối đa 95% giá trị hợp đồng mua bán nếu bên mua, thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 5% giá trị còn lại sẽ được thanh toán khi các giấy chứng nhận được cơ quan có thẩm quyền cấp cho bên mua.
Phương án 2, bên bán chỉ được thu tối đa 95% giá trị hợp đồng mua bán nếu bên mua, thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 5% giá trị còn lại của hợp đồng được khách hàng chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư mở tại ngân hàng để quản lý và chủ đầu tư không được dùng số tiền này. Các chi phí, lợi tức phát sinh liên quan đến khoản tiền này do chủ đầu tư và ngân hàng tự thỏa thuận.
Chủ đầu tư chỉ được sử dụng số tiền này cùng với lợi tức (nếu có) khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, thuê.
Góp ý, bà Nguyễn Việt Nga (Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Hải Dương) nói chọn phương án 1, bởi bên mua được phép giữ lại 5% giá trị hợp đồng để bên bán có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục giấy tờ là phù hợp, tăng trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Bà nói, thực tế trong giao dịch mà bên mua đã thanh toán đến 95% hợp đồng thì hầu hết họ đều muốn hoàn thiện các thủ tục để kết thúc hợp đồng. Việc bên bán chưa được thanh toán 5% giá trị còn lại sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới phát triển của doanh nghiệp so với việc bên mua bị chậm, chưa được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Giơ biển tranh luận, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, nói cả hai phương án đều có điểm chưa hợp lý, nhưng ông nghiêng về phương án 2. Bên cạnh đó, ông Thành đề nghị bổ sung nội dung cấm thu phí, lệ phí và các khoản liên quan đến kinh doanh bất động sản.
Còn bà Huỳnh Thị Phúc (Phó trưởng đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung cấm hành vi thu tiền, đặt cọc trái quy định của luật này và các luật liên quan để đảm bảo chặt chẽ. Bà cũng muốn bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản không được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở.
Về thẩm quyền thực hiện điều tiết thị trường bất động sản, bà Huỳnh Thị Phúc đề nghị tăng phân cấp, theo hướng Chính phủ quyết định các biện pháp điều tiết thị trường, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh đề xuất các biện pháp điều tiết.
Dự kiến, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) ngày 27/11.
Anh Minh