Gần 1 năm nay, các dây chuyền của công ty cổ phần giày Thăng Long đã chuyển dịch sang sản xuất xanh - ít tạo ra carbon hơn. Ví dụ, thay vì dùng than đá để làm nhiên liệu, doanh nghiệp đã đổi sang dùng dầu, điện. Công ty cũng đầu tư máy móc mới để nghiền, trộn các phế phẩm để tái sử dụng hay nhập khẩu các dòng vải tái sinh về dùng.
Nói với VnExpress, ông Nguyễn Ngọc Tùng, Tổng giám đốc công ty, cho biết doanh nghiệp chấp nhận chi phí sản xuất tăng thêm 10-15%, trong bối cảnh đơn hàng chưa phục hồi, lợi nhuận giảm 50-60%.
"Bắt buộc phải làm nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Nếu mình không đáp ứng được các chuẩn xanh, họ sẽ không đặt hàng nữa", ông Tùng nói.
Việc kiểm tra hàng có đủ chất lượng "xanh" không cũng được tiến hành chặt chẽ thông qua một bên thứ ba kiểm xưởng. "Nếu không đạt yêu cầu, chứng chỉ, họ sẽ hủy đơn", ông Tùng chia sẻ. Doanh nghiệp này hiện có 3 nhà máy với 1.700 công nhân, hơn 97% hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc, EU.
Tương tự, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch công ty Secoin, cho biết đang phải liên tục chuyển đổi, cải tiến để đáp ứng được yêu cầu từ chuỗi cung ứng xanh toàn cầu tại châu Âu.
"Những chuẩn mực kinh doanh toàn cầu đang thay đổi buộc doanh nghiệp hoặc bước lên tầm mới hoặc tự loại mình khỏi sân chơi", ông Kỳ cho biết. Secoin là đơn vị chuyên sản xuất gạch ngói không nung, đã xuất khẩu hàng đến 60 nước trên thế giới.
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong nước thời gian gần đây cũng đề cập đến việc dệt may Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nhiều do các đơn hàng dịch chuyển sang nước khác khi chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xanh của các thị trường lớn.
"Cùng là nước đang phát triển nhưng Banglasdesh đã chuyển dịch theo hướng năng lượng tái tạo, xanh, ít phát thải hơn nên nhiều đơn hàng thay vì sản xuất ở Việt Nam đã chuyển đến nước này", ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường, nói tại một tọa đàm gần đây.
Theo bà Kitty Bu, Phó chủ tịch Liên minh Năng lượng toàn cầu vì con người (GEAPP), ngày càng có nhiều công ty trên thế giới đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt khi nhắc đến sản xuất.
"Họ đang tuân theo các yêu cầu về tổng phát thải nhà kính cho chuỗi cung ứng của họ. Có rất nhiều yêu cầu về xanh hóa xuyên suốt chuỗi đang được thực thi", bà lưu ý.
Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh không hề dễ. Ông Nguyễn Ngọc Tùng nói, bản thân doanh nghiệp đã rất áp lực trước sự chuyển đổi này. Đó vừa là bài toán thay đổi nhận thức, vừa là sức ép chi phí trong giai đoạn thị trường đầy thách thức. "Những doanh nghiệp nào nhỏ, không đủ tiềm lực có thể phải tạm dừng", ông chia sẻ.
Phía Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong một báo cáo gần đây đã liệt kê xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững của các nước là một áp lực lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến họ tăng chi phí nếu muốn tuân thủ.
Đơn cử, việc EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới, thực hiện Thỏa thuận xanh châu Âu và Chính sách từ nông trại đến bàn ăn sẽ là thách lớn trong khi hầu hết doanh nghiệp Việt chưa có đầy đủ thông tin, kiến thức, nguồn lực để tuân thủ.
Do đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Sỹ Linh cho rằng Chính phủ cần có những trợ lực nhất định đặc biệt trong giai đoạn đầu khi thực hiện các quy định bắt buộc về kiểm kê phát thải nhà kính. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến các cơ chế khuyến khích, các ưu đãi về thuế với hàng hóa, dịch vụ được sản xuất theo phương thức carbon thấp.
"Nếu không nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp sẽ mất đi lợi thế của mình. Cần thích ứng và đứng ở vị trí chuẩn bị tốt nhất cho tương lai", bà Kitty Bu chia sẻ thêm. Bà lưu ý, Việt Nam cần lập kế hoạch với tầm nhìn dài hạn cho vấn đề sản xuất xanh.
Đức Minh