Chiều 31.10, Thường trực Thành ủy TP.HCM tổ chức buổi trao đổi thông tin báo chí về quy định mua tin phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành.
Theo Thường trực Thành ủy, sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM đưa ra nhiều kế hoạch, biện pháp, giải pháp, trong đó có quy định về việc mua tin. Bên cạnh đó, TP.HCM căn cứ quy định Trung ương, kinh nghiệm một số địa phương từng ban hành quy định, lấy ý kiến và nhận thống nhất cao trong Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.
Quy định mới là bước kế thừa, phát huy Quy định 1374 năm 2017 của Thành ủy TP.HCM, trong đó khuyến khích vai trò các cơ quan dân cử, báo chí, nhân dân.
Thường trực Thành ủy TP.HCM khẳng định, quy định này đề ra với mong muốn cao nhất là phòng ngừa, răn đe, cảnh báo, cán bộ, đảng viên nhằm thực hiện tốt chủ trương của thành phố mà Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiều lần quán triệt là cán bộ, đảng viên "làm đúng, làm tốt" chức trách, nhiệm vụ.
Thường trực Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, sau khi chủ trương lớn đề ra thì mong muốn lớn nhất là mang lại hiệu quả trong thực tế. Trong đó, có 3 yếu tố quyết định gồm: tính hợp lý, phù hợp của quy định; vận hành của cơ quan được giao nhiệm vụ; sự đồng hành tin tưởng, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.
TP.HCM kỳ vọng quy định này cùng các quy định khác góp phần vào việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; hạn chế, đẩy lùi cán bộ né tránh, đùn đẩy, ngại trách nhiệm.
Về giá trị mua tin là 10 triệu đồng/tin, Thường trực Thành ủy TP.HCM giải thích mức chi này dựa theo quy định Trung ương và lấy mức tối đa. Tuy nhiên, Bí thư thành ủy TP.HCM, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM có thể xem xét, đánh giá nguồn tin đặc biệt quan trọng, hiệu quả để khen thưởng phù hợp.
Thường trực Thành ủy TP.HCM đánh giá người dân, cán bộ, đảng viên khi cung cấp thông tin về tiêu cực thì mục tiêu xây dựng, đấu tranh là chính chứ không phải đi kiếm tiền. Còn về việc bảo vệ người cung cấp thông tin, quy định hiện hành và chủ trương của Thành ủy TP.HCM đã có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, bảo vệ người tố giác rồi chứ không phải đến nay mới làm.
Về Quy định 1374 năm 2017, quá trình tổng kết của Thành ủy TP.HCM nhận thấy có nhiều thông tin có giá trị nhưng cũng nhiều thông tin phiến diện. Do vậy, quy định mới sẽ nêu rõ trách nhiệm của người cung cấp thông tin, không phải muốn nói gì thì nói. Thông qua việc này cũng là cách bảo vệ cán bộ, đảng viên trước những tin vô căn cứ, quy chụp.